Dự án đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây (cao tốc) có tổng số vốn đầu tư hơn 930 triệu USD được khởi công ngày 3/10/2009. Đây là một trong những dự án trọng điểm, góp phần phát triển kinh tế xã hội của không riêng Đồng Nai, TP HCM mà còn các tỉnh lân cận. Đường cao tốc này cũng sẽ rút ngắn thời gian từ TP HCM đi các tỉnh miền Đông Nam Bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, cũng như hoàn thiện kết nối với hệ thống hạ tầng giao thông quốc gia.
Với chiều dài 55 km, có điểm bắt đầu là nút giao An Phú quận 2 (TP HCM) và điểm cuối tuyến là nút giao quốc lộ 1A tại Dầu Giây (Đồng Nai), tuyến cao tốc nằm trọn trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với phát triển khu vực.
Dự án đường Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây gồm 2 dự án thành phần. Dự án thành phần 1 dài 4 km, quy mô gồm 4 làn xe, có 3 cầu vượt sông, 1 cầu vượt đường ngang, tốc độ thiết kế đạt 80 km/h hiện đã hoàn thành thiết kế kỹ thuật, lập dự toán, hồ sơ mời thầu cho 4 km trên tuyến và hiện dự án thành phần 1 đang trong giai đoạn chuẩn bị đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây lắp.
Dự án thành phần 2 (đoạn Vành Đai 2 - Dầu Giây) dài 50,9 km có quy mô gồm 4 làn xe. Được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế là 120 km/h. Hiện các đơn vị thi công, nhà thầu đã thực hiện được khoảng 57% khối lượng công việc. Dự kiến hoàn thành vào tháng 8/2013.
Theo báo cáo mới nhất của Ban quản lý dự án đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, hiện tiến độ chung (không kể 4km đầu) đạt khoảng 57%, đảm bảo như hợp đồng, nhưng từng gói thầu cụ thể thì còn vướng mắc, chủ yếu là mặt bằng (huyện Long Thành và đoạn 4Km Dự án Thành phần 1- TP Hồ Chí Minh). Tuy nhiên, lo ngại lớn nhất hiện nay lại ở 4 km đầu của tuyến cao tốc bắt đầu từ nút giao An Phú nối Đại lộ Đông Tây để dẫn vào đường cao tốc.
Đây là đường đô thị nên ban đầu giao cho TP HCM thực hiện bằng vốn ngân sách. Do thành phố hông bố trí được vốn nên chuyển lại Bộ GTVT để thực hiện bằng nguồn vốn chung của dự án, thành phố chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng nhưng công tác này vẫn còn rất chậm. Trong khi đó, theo Sở GTVT, phần vốn để giải phóng mặt bằng cho tuyến đường này lên đến gần 2.000 tỷ đồng. Với tình hình hiện tại là không thể hoàn thành tuyến đường nối trong 2 năm nữa, khi tuyến cao tốc dự kiến sẽ hoàn thành vào khoảng tháng 10/2013.
Dù trước đó, tại "lễ ra quân thi đua đẩy nhanh tiến độ đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây" vào đầu năm nay, Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân cho biết, trong quý 2, thành phố phấn đấu bàn giao mặt bằng để xây dựng 4 km đường kết nối tuyến cao tốc với Đại lộ Đông Tây, đồng thời nghiên cứu kết nối nhánh từ ngã tư Bình Thái, đường vành đai Tân Sơn Nhất - Bình Lợi vào cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây để khai thác đối đa hiệu quả của tuyến cao tốc này. Song, bước vào quý 3 nhưng 4 km đường dẫn kia vẫn “án binh bất động”.
Quỳnh Anh (TH)