Theo Bác sĩ Vũ Đức Chung, Chủ nhiệm khoa Nội tiêu hóa A3, Bệnh viện Quân y 354 thì trong và sau những ngày xuân, việc uống quá nhiều rượu bia có thể dẫn tới biến chứng xuất huyết tiêu hóa. Biến chứng này có tỷ lệ gây tử vong từ 6-7%.
Dấu hiệu nhận biết xuất huyết tiêu hóa
Trong dịp Tết Ất Mùi, Bệnh viện Quân y 354 đón nhận nhiều bệnh nhân nhập viện vì lý do nôn ra máu, đi đại tiện phân có máu và đau bụng dữ dội ở vùng thượng vị… Sau khi khám, các bác sĩ kết luận: nguyên nhân chủ yếu dẫn tới bệnh là do bệnh nhân uống nhiều rượu bia; say rượu nôn nhiều làm rách niêm mạc thực quản dẫn tới biến chứng xuất huyết tiêu hóa. Vì vậy, các bệnh nhân khi nhập viện đều phải truyền máu, ít nhất mỗi đợt từ 3- 10 đơn vị máu/bệnh nhân. Điều đáng quan tâm là hầu hết các bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa đều có tiền sử viêm gan B và kèm theo nghiện rượu nặng.
Trao đổi với chúng tôi về dấu hiệu nhận biết bệnh xuất huyết tiêu hóa, bác sĩ Vũ Đức Chung nói: “Bệnh nhân khi bị xuất huyết tiêu hóa thường rất dễ nhận biết bởi các biểu hiện đặc trưng như mệt mỏi, chán ăn, vàng mắt, vàng da, nôn ra máu rất nhiều, đi đại tiện ra máu, đại tiện phân đen như bã cà phê. Mức độ mất máu có thể nhẹ tới vừa, thậm chí nhiều trường hợp chảy máu nặng gây mất máu nghiêm trọng, đe dọa tới tính mạng bệnh nhân. Ở giai đoạn nặng, bệnh nhân sẽ đại tiện phân đen 2-3 lần trong ngày, người mệt mỏi vã mồ hôi, chân tay lạnh, niêm mạc nhợt nhạt, vật vã, có khi ngất xỉu, mạch nhỏ, huyết áp tụt, thở nhanh nếu không cấp cứu sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Khi gặp các biểu hiện trên, người bệnh nên đi khám sớm để được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn, điều trị kịp thời, tránh để xảy ra các biến chứng nguy hiểm”.

Nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa
Nói về nguyên nhân gây bệnh, cũng theo theo bác sĩ Vũ Đức Chung thì có nhiều nguyên nhân gây ra xuất huyết tiêu hóa. Ở dạ dày, các nguyên nhân gây viêm loét như: rượu và các thuốc chống viêm giảm đau, stress… hoặc các bệnh lý ác tính như ung thư dạ dày đều có thể gây xuất huyết tiêu hóa. Ở ruột, loét hành tá tràng là nguyên nhân rất thường gặp gây xuất huyết.
Hiện tượng chảy máu do xuất huyết tiêu hóa nhiều khi thường bị nhầm lẫn với chảy máu do trĩ, bệnh polyp đại trực tràng, ung thư đại trực tràng, các bệnh lý khác như viêm loét đại trực tràng. Vì vậy, khi thấy hiện tượng bất thường, bệnh nhân cần đi khám để xác định rõ bệnh và điều trị kịp thời.
Về điều trị bệnh nhân bị xuất huyết, bác sĩ Vũ Đức Chung cho biết: “Tùy theo mức độ và nguyên nhân mà có phương án điều trị thích hợp, nhưng trước hết phải theo những mục tiêu chung: chống sốc, cầm máu, khôi phục lưu lượng tuần hoàn, điều trị triệu chứng, điều trị theo nguyên nhân”.
Việc điều trị xuất huyết tiêu hóa phải tùy thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ, nguyên nhân, vị trí chảy máu… Ngoài việc điều trị triệu chứng, cần ổn định các chức năng sống khi bị mất máu nặng, kết hợp dùng các thuốc co mạch, giảm tiết, kháng sinh… Bệnh nhân có thể được chỉ định nội soi can thiệp, qua đó rất nhiều trường hợp xuất huyết đã được xử lý tốt như: xử trí xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày-tá tràng, xử lý giãn tĩnh mạch thực quản bằng thắt vòng cao su…
Ở nước ta hầu hết các bệnh viện tuyến trung ương và một số bệnh viện tuyến tỉnh đã thực hiện được thủ thuật này. Việc điều trị nội khoa đặc hiệu, làm thủ thuật hoặc phẫu thuật cho bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa có thể được chỉ định khi có sự cân nhắc của thầy thuốc chuyên khoa.
Vũ Minh