(Báo tháng) - “Nhiệt đới gió mùa” là tác phẩm mới của tác giả đã và từng được vinh danh tại các giải thưởng lớn của Hội Nhà văn Việt Nam và Hàn Quốc. Đó là tác giả Lê Minh Khuê, sinh năm 1949, tham gia chiến tranh chống Mỹ từ năm 1965 đến 1969, sau đó làm phóng viên chiến trường và biên tập viên tại Nhà xuất bản Hội nhà văn.
Một số tác phẩm của chị đã được dịch và in các tập truyện ngắn ở Mỹ, Đức, Thụy Điển, ItaLia và Hàn Quốc. “Nhiệt đới gió mùa” do NXB Hội Nhà văn ấn hành gồm 12 truyện ngắn, hơn 200 trang là một “bức tranh” đa màu và hàm chứa nhiều nội dung sâu sắc; tái hiện câu chuyện xảy ra trong một gia đình bị ly tán do chiến tranh được lấy làm tiêu đề cho toàn tập.
Nếu “Nhiệt đới gió mùa” có một số truyện có tiếng bom rơi, đạn nổ, khói lửa, tù đầy, chia ly, máu, nước mắt, thù hận và giàu lòng vị tha để khi đọc lên khiến có lúc trái tim chúng ta đau nghẹn và nghẹt thở vì những mất mát, hy sinh để dành độc lập và hòa bình dân tộc; những truyện còn lại phản ánh đời sống hiện thực từ thành phố đến nông thôn, từ CCB đến những thành niên đang loanh quanh đi tìm cho mình một công việc để kiếm sống và cũng không ít những tấm gương làm người tử tế.
Mở đầu trang sách, nhà văn viết: "Khuôn mặt không thể nhận ra. Như một miếng tiết bị dao băm vụn. Quý khó nhọc thở... Gã sĩ quan cúi xuống khuôn mặt đầy máu: “Có gì cần nói không?”... Quý giơ mấy ngón tay rồi nói to lên một cách đột ngột: “Tôi hy sinh vì đất nước chỉ xin khi chết chôn tôi cái tên vào túi áo... Có một người đống hương với tôi... con ông giáo Cơ dạy trường kiến trúc”... Phong đứng bật dậy toàn thân như run bắn lên khi người tù cố nói những thông tin về con người Phong đã đón lõng lâu nay ở phía bên này hàng rào điện tử".
Tạo dựng câu chuyện từ mâu thuẫn gia đình của ông giáo Cơ dạy trường kíến trúc thời Pháp có con riêng tên là Phong sau này theo mẹ di cư vào Nam và theo phía “bên kia” làm đến chức sĩ quan cao cấp, đã bắt được người anh trai tên là Hiếu - chiến sĩ cộng sản.
Hai anh em chung một dòng máu, nhưng ở hai chiến tuyến đối lập. Đây là bản án tố cáo chiến tranh hiện lên trên mỗi trang viết của Lê Minh Khuê khi buồn nôn, lúc đớn đau tận tâm can, khi lại bàng hoàng khủng khiếp với những cảnh khốc liệt, tù đày, tra tấn dã man do đế quốc Mỹ bày đặt ra, con người từ chỗ hiền lương khi bị lửa chiến tranh thiêu đốt đã trở thành ác quỷ: "Nhâm đỡ sau lưng Hiếu bảo em đã sẵn sàng rồi anh ạ. Nhâm người Thanh Hóa quê biển quanh năm suốt tháng ăn khoai và cá tuơi rói lấy dưới biển... Hiếu chưa hiểu vì sao chúng cầm dao nhọn về phía anh... Phong vẩy khẩu Rulo đã lên đạn sẵn vào đúng trán Nhâm... Phong nhặt cái cục thịt đẫm máu trong đó có con mắt của Hiếu cho vào túi ni lông như giữ một tang vật... Những tháng năm dài qua các nhà lao ấy Phong đã từng cho nhốt Hiếu vào với đám tù hình sự...”.
Một lần nữa những trang viết của các tác giả trong đó có Lê Minh Khuê đã cho chúng ta thấy giá trị của hòa bình và độc lập dân tộc khi những người tù như Hiếu - anh trai cùng cha khác mẹ của Phong, đã bị chính Phong lấy đi con mắt nhưng vẫn giữ vững tinh thần yêu nước và lòng tuyệt đối trung thành với anh em đồng đội. Cảnh anh em “huynh đệ tương tàn”, khủng khiếp đến nỗi chính Pat - một thượng sĩ người Mỹ đã nói với Phong: “...Có lẽ sau này tao không lấy vợ chiến tranh làm tao ngán cả đàn bà ngán cả chăn chiếu chiến tranh phải làm mọi việc tao phục vụ tổng thống phục vụ lý tưởng nước Mỹ đè bẹp phe Cộng sản...”. và thời khắc chiến tranh kết thúc, Hiếu đã bắt được Phong làm tù binh. Câu chuyện bị Phong lấy đi con mắt sẽ ra sao? "Thù hận làm đời ta ngắn lại... Hiếu nhìn về phía biển... Hai anh em nghe rõ tiếng lao xao trong gió. Như tiếng những linh hồn oan khuất đang nhìn những người trẻ tuôi vừa nghe về cái chết của họ. Họ như được minh oan”.
“Nhiệt đới gió mùa” là câu chuyện mà tác giả viết phải chăng không chỉ gửi đi một thông điệp về những cảnh báo cần thiết trong bối cảnh đất nước ta đang trong kỳ hội nhập sâu rộng và thế giới đang có những chuyển động khôn lường và đầy bất trắc trước việc các nước lớn đang thi nhau tranh giành sự ảnh hưởng trên trường quốc tế và súng đạn, bom mìn vẫn nổ nơi này, nơi kia, máu do nội chiến vẫn đổ, đẩy bao gia đình vô tội không kể màu da, không kể sắc tộc vào vòng ly tán, khổ đau và hòa bình thực sự trên trái đất chỉ được thực hiện khi tình yêu thương con người không kể màu da, sắc tộc và địa giới được thể hiện và trên hết là quên đi hận thù để cùng nhau xây dựng hành tinh trái đất an bình.
Điều đó tại sao không thể thực hiện được? là một câu hỏi không dành cho các nhà văn, nhân dân các nước trả lời, mà là câu trả lời của các nhà cầm quyền ở các nước từng được gọi là “nước lớn”. Như vậy để bạn đọc thấy vì sao tác phẩm của Lê Minh Khuê, của Bảo Ninh viết về chiến tranh lại được dịch ra nhiều thứ tiếng và đặc biệt phát hành rộng khắp trên nước Mỹ, được không ít người Mỹ đón đọc.
Viên Lan Anh