Từ tháng 10/2009 đến nay, thị trường xăng dầu đã có 5 lần điều chỉnh. Giá xăng tăng liên tiếp, cộng với việc thay đổi giá điện, than và 2 lần điều chỉnh tỷ giá hối đoái đã gây tâm lý lo ngại về khả năng lạm phát tăng cao.

Hôm 21/2, đúng vào Mùng 8 Tết, giá bán lẻ các mặt hàng xăng tăng tới 590 đồng mỗi lít. Lần tăng giá này được nhận định là khá bất ngờ, vì người tiêu dùng chưa hết "sốc" chuyện giá cả các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nước giải khát tăng trong Tết.

Nghị định 84 có hiệu lực thi hành từ 15/12/2009, cho phép doanh nghiệp chủ động điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo thị trường. Trong đó, thời gian tăng giá liên tiếp giữa 2 lần tối đa 10 ngày, và tối thiểu 10 ngày cho mỗi đợt giảm giá. Tuy nhiên, việc trao quá nhiều quyền tự quyết cho doanh nghiệp như vậy khiến giới chuyên gia lo ngại về khả năng lạm quyền trong doanh nghiệp.

Cơ chế giá thị trường chỉ có thể thực hiện được khi thị trường đã cạnh tranh thực sự, giống như một số lĩnh vực như viễn thông, công nghệ thông tin... Nghĩa là, chỉ khi thị trường xăng dầu xuất hiện cỡ 3 doanh nghiệp có năng lực, thị phần và điều kiện tương đương với Petrolimex khi đó cạnh tranh giữa các doanh nghiệp mới thực sự lành mạnh và đem lại giá trị cho người tiêu dùng. Nói tóm lại là chúng ta chưa có cơ chế thị trường thì đừng nói đến chuyện thả giá theo thị trường.

Để khắc phục tình trạng này, các nhà chuyên môn đề xuất nên rút bớt quyền của doanh nghiệp bằng cách Nhà nước phải can thiệp và khống chế giá bằng khung trần. Khi đó, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sẽ là giảm giá chứ không phải là tăng giá liên tiếp.

Hiện nay, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không phải là giảm giá hay khuyến mãi giá bán tới tay người tiêu dùng mà là chiết khấu hoa hồng tới đại lý.

Quỳnh Anh (TH)