Hàng trăm người dân tập trung đấu giá đất tại huyện Thanh Oai, T.P Hà Nội.

Thời gian gần đây, thị trường bất động sản tại nhiều vùng trên cả nước tăng phi mã. Vì muốn giàu lên nhanh chóng, nhiều người sẵn sàng cầm cố nhà cửa vay ngân hàng để đầu tư. Nhưng thực tế luôn khác với các tấm gương giàu nhanh từ đất, nhiều nhà đầu tư đã phải ngậm đắng trong nợ nần vì thiếu kiến thức về lĩnh vực này.

Học buôn bán bất động sản là một quá trình dài, đòi hỏi nhà đầu tư cần kiên nhẫn, biết nắm bắt thị trường và đầu tư đúng lúc, đúng chỗ. Đã không ít trường hợp buôn bán nhà đất theo “cảm tính” dẫn đến trắng tay. Câu chuyện “sốt” đất không phải mới mà luôn diễn ra, hết đợt này sẽ hình thành đợt khác theo dòng chảy của thị trường. Theo các chuyên gia, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nguồn cung bất động sản khan hiếm, dẫn đến tình trạng thiếu hàng. Nhu cầu tiêu dùng của xã hội giảm nhưng nhu cầu đầu tư vẫn tăng trong bối cảnh các kênh đầu tư khác tiềm ẩn nhiều rủi ro kém hiệu quả, nên nhiều người lựa chọn bất động sản là kênh đầu tư để tiếp tục rót vốn. Giá đất tăng, giá đền bù, thuế sử dụng đất, nguyên vật liệu đầu vào, nhân công của các công trình xây dựng đều tăng... khiến cho giá đầu vào bất động sản ngày càng cao.

Từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản liên tục tăng giá và không có dấu hiệu giảm. Dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng tại các địa phương đã kiểm soát tốt dịch bệnh, có cơ sở hạ tầng và kết nối giao thông tốt, giá bất động sản vẫn có xu hướng tăng. Có thể thấy, hiện tượng tăng giá đất trở thành những cơn “sốt ảo” đã phá vỡ mọi quy luật của thị trường bất động sản. Hệ lụy của những cơn “sốt” đất bất thường sẽ dẫn đến nợ xấu tăng và xáo trộn đời sống kinh tế của cả khu vực và thậm chí là nền kinh tế của đất nước. Giá đất tiếp tục tăng cao khiến người có nhu cầu thực sự không có khả năng mua để ở, dẫn đến nguy cơ đổ vỡ thị trường bất động sản.

“Sốt” đất là một phần nguyên nhân dẫn đến việc phân lô bán nền đất nông nghiệp, tạo ra nhiều rủi ro pháp lý về quyền sử dụng đất khi phân lô bán nền trái phép, tranh chấp giao dịch mua bán, các chủ đầu tư nhỏ lẻ không đủ điều kiện phát triển dự án hay gọi là chủ đầu tư “ma”. Nhiều địa phương tổ chức các phiên đấu giá, mức giá trúng cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm. Điều này đã tạo nên những cơn “sốt” giá đất cục bộ tại khu vực tổ chức đấu giá. Ông Bùi Văn Hoa - Phó trưởng phòng TNMT huyện Đan Phượng, T.P Hà Nội cho rằng, mấu chốt để người tham gia giao dịch mua bán, chuyển nhượng đất không bị rơi vào cơn “sốt đất” giả, là cần phải tham khảo kỹ thông tin quy hoạch, xác minh rõ nguồn gốc đất, để tránh xảy ra tranh chấp, thiệt thòi. Ngoài ra, bên cạnh việc tuyên truyền, UBND các xã, thị trấn cũng cần tăng cường công tác quản lý sử dụng đất, tránh để phải xử lý những vụ việc chuyển nhượng đất có nguồn gốc lấn chiếm, sử dụng sai mục đích.

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam đánh giá: Với những công bố quy hoạch khu đô thị, đường sá, dự án cầu… các nhà đầu tư cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ thông tin để tránh được cái “bẫy” của những nhóm đầu cơ thổi “bong bóng” bất động sản. Các địa phương tăng cường giám sát thị trường bất động sản, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng thông tin quy hoạch hạ tầng và phát triển dự án để làm giá, đẩy giá bất động sản nhằm thu lợi bất chính.

Bài và ảnh: Bảo Hân