Giảm phát là tình trạng mức giá chung của nền kinh tế giảm xuống liên tục. Giảm phát, do đó trái ngược với lạm phát. Cũng có thể nói giảm phát là lạm phát với tỷ lệ mang giá trị âm. Trong các tài liệu thống kê tình hình kinh tế chính thức, khi đề cập đến giảm phát, người ta vẫn đặt dấu âm kèm với con số ở mục tỷ lệ lạm phát. Giảm phát thường xuất hiện khi kinh tế suy thoái hay đình đốn.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng giảm phát có thể tổng kết gồm: thứ nhất là xuất phát từ việc áp dụng các giải pháp chống lạm phát quá liều, chẳng hạn như thắt chặt tiền tệ, tài khóa và hạn chế cầu quá mức; tiếp tới là việc sử dụng các biện pháp ngăn ngừa lạm phát một cách quá cứng nhắc như trực tiếp kiểm soát giá của một số mặt hàng; hoặc có thể đến từ những sai lầm trong điều hành vĩ mô.

Nếu xem tình trạng kinh tế Việt Nam thời gian qua, nguyên nhân nổi trội chính là điều thứ nhất.

Những con số từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết: Ít nhất 10% số doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động. Còn theo nhận định của chuyên gia, trong quý IV-2011, ảnh hưởng của việc thắt chặt tín dụng đến sản xuất là rất rõ ràng khi chỉ số tăng trưởng công nghiệp giảm từ 9% xuống còn 6,8%. Đến tháng 2-2012, chỉ số này đã có một buớc thụt lùi sâu sắc về ngưỡng 4%, đặc biệt nhóm ngành chế tạo chỉ tăng 2,4% so với mức tăng 12% trong 7 tháng đầu năm 2011. Rất nhiều ngành có tỷ trọng đóng góp lớn trong tổng giá trị sản xuất thậm chí còn tăng trưởng âm.

Để thoát khỏi tình trạng giảm phát, cần thực hiện chính sách tái khuếch trương tiền tệ thông qua các biện pháp như tăng lượng cung tiền, giảm thuế, hay điều chỉnh lãi suất.

5 tháng liên tiếp chỉ số lạm phát dưới 1% vào nửa cuối năm 2011 có ý nghĩa của sự cần thiết phải giảm lãi suất. Nhìn nhận nguy cơ, từ tháng 9-2011, nhiều lần Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đích thân yêu cầu "giảm ngay lãi suất" nhưng mãi đến tháng 3, điều này mới được thực hiện bởi lý do từ phía ngân hàng là “khó khăn về thanh khoản”. Tuy nhiên theo thông tin từ cuộc họp của Thủ tướng với giới chuyên gia vào tuần cuối tháng 3-2012, Chủ tịch Ngân hàng ACB đã cho biết, ACB hiện còn tồn đến 3 tỷ USD mà không cho vay được. Điều này cho thấy dường như lý do trên không được thuyết phục lắm.

Việc liên tiếp giảm trần lãi suất huy động từ 14% xuống 13% và 12% trong hai tháng qua, qua đó giảm lãi suất cho vay, tuy có độ trễ nhưng chắc chắn sẽ có tác dụng. Tuy nhiên hiệu quả không phải sẽ được như mong muốn vì doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận được với lãi suất cho vay thấp và cần phải thấp hơn. Vì vậy càng cần sự điều hành của Chính phủ quyết liệt hơn trong chỉ đạo về chính sách tín dụng tiền tệ.

Đã có rất nhiều chuyên gia đã cảnh báo về việc nếu siết quá chặt tín dụng, hệ quả tăng trưởng thấp dù sẽ góp phần "làm đẹp" con số lạm phát, nhưng về lâu dài sẽ lại là tác nhân sinh ra lạm phát. Động lực sản xuất sẽ bị giảm về mức tối thiểu khiến cung hàng hóa trở nên khan hiếm hơn hẳn, làm cho giá cả hàng hóa có thể tăng lại. Mà như thế thì không thể nói khác hơn là lạm phát những năm trước một lần nữa sẽ tái hiện.

Hơn lúc nào hết, sự điều hành vĩ mô của Chính phủ lại càng cần thiết để cán cân kinh tế điều hòa. Tuy rằng sự thay đổi bây giờ cũng hơi muộn nhưng còn hơn chậm trễ tiếp.

Mai Anh