Điều này đã làm cho số doanh nghiệp giải thể, phá sản hoặc ngừng hoạt động. Cụ thể, tổng số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh tháng 6 đầu năm 2012 có khoảng 4.110 doanh nghiệp, trong đó số lượng doanh nghiệp đã giải thể là 610 doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh là 3.500 doanh nghiệp.

Thực trạng khó khăn của doanh nghiệp được minh họa qua kết quả điều tra 9.331 doanh nghiệp do Tổng cục Thống kê tiến hành. Theo kết quả điều tra, tính từ ngày 1-1-2011 đến ngày 1-4-2012, có 8,4% số doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp phá sản, giải thể. Tỷ lệ này khá cao trong thời điểm hiện nay, tuy nhiên đây cũng là tình trạng chung của hầu hết các nước trên thế giới và khu vực trong thời kỳ kinh tế khủng hoảng. Trong tổng số doanh nghiệp được điều tra có 69,6% số doanh nghiệp phản ánh nguyên nhân chính làm cho các doanh nghiệp phá sản, giải thể là do sản xuất, kinh doanh thua lỗ; 28,2 % do nguyên nhân thiếu vốn…

Có thể thấy, lãi suất vay vốn quá cao là yếu tố cản trở lớn nhất tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Cũng vì có nhiều doanh nghiệp do sản xuất, kinh doanh thua lỗ, nên có thể lý giải trong năm 2011 trong số các doanh nghiệp theo quy định phải nộp thuế giá trị gia tăng hoặc thuế tiêu thụ đặc biệt, có tới 8% số doanh nghiệp không nộp thuế do không có khả năng nộp. Tỷ lệ doanh nghiệp không có khả năng nộp thuế cao chủ yếu ở các ngành khai thác, xây dựng, vận tải, kho bãi, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp ở vùng Tây Nguyên. Một điểm đáng chú ý, trong 57,8% số doanh nghiệp đang vay vốn cho sản xuất, kinh doanh thì có 72,7% số doanh nghiệp cho rằng mức lãi suất bình quân năm chấp nhận được không quá 15%. Ngoài lãi suất vay vốn quá cao, lạm phát cao và biến động thất thường; khả năng tiếp cận vốn khó khăn; giá xăng tăng, chi phí vận tải cao; điện cung cấp không ổn định… cũng là một trong những yếu tố thuộc môi trường kinh doanh đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của khu vực doanh nghiệp.

Tuy sản xuất công nghiệp các tháng của quý III-2012 bước đầu có chuyển biến theo hướng tích cực, nhưng một số ngành tỷ lệ tồn kho vẫn lớn nên không ít doanh nghiệp có xu hướng thu hẹp sản xuất, kinh doanh. Theo kết quả điều tra của 9.331 doanh nghiệp, thì có tới 31,7% số doanh nghiệp dự kiến thu hẹp sản xuất, kinh doanh với nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu thị trường trong nước giảm, do khó khăn tiếp cận vốn vay và do khó khăn trong việc mua nguyên liệu đầu vào. Có 13% số doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô về lao động, 10% số doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô về vốn và có tới 25,5% số doanh nghiệp dự kiến giảm về doanh thu và 27,9% số doanh nghiệp dự kiến giảm về lợi nhuận.

Từ thực tiễn trên, để vượt qua khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp bày tỏ Nhà nước, các bộ, ngành cần tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp cải thiện các yếu tố chủ yếu như ổn định và hỗ trợ lãi suất vay vốn, cải tiến và tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi hơn, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá điện, cải thiện và phát triển kết cấu hạ tầng; tập trung nguồn vốn và hỗ trợ lãi suất vay vốn cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa; kiềm chế lạm phát, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu; hỗ trợ phát triển và đổi mới công nghệ để phát triển sản xuất, kinh doanh; cải thiện môi trường pháp lý và hiệu quả giải quyết tranh chấp, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải tiến thuế suất và công tác quản lý thuế... và giải cứu doanh nghiệp cần sự đồng bộ.

PV