Doanh nhân CCB Vũ Văn Duân (bên phải) giới thiệu mô hình sản xuất nấm với lãnh đạo Hội CCB Việt Nam và các CCB.

Là người Thái Bình nhưng doanh nhân CCB Vũ Văn Duân lại “hữu duyên” với vùng đất Tây Nguyên nắng gió. Trên vùng đất mới, ông phát huy phẩm chất người CCB, không chùn bước trước những thất bại để gặt hái thành công trong sản xuất, kinh doanh.

Dẫn chúng tôi tham quan khu sản xuất nấm, ông Duân cho biết: Năm 2016, sau gần 38 năm trong quân ngũ, ông trở về với cuộc sống đời thường, được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội CCB huyện Đắk Hà rồi Chủ nhiệm Câu lạc bộ CCB sản xuất, kinh doanh giỏi tỉnh Kon Tum. Với nhiều nhiệm vụ được giao, ông nhận thấy, muốn Hội phát triển tốt thì bản thân phải gương mẫu, đi đầu, làm ra sản phẩm tốt mới dẫn dắt được phong trào.

Xác định như vậy, ông Duân tham khảo, kết nối với bạn bè ở Hiệp hội Doanh nhân CCB Việt Nam; các Viện nghiên cứu; theo dõi khí hậu, thị trường, nguyên liệu ở Kon Tum… quyết tâm xây dựng cơ sở sản xuất nấm sạch phát triển kinh tế. Tuy nhiên, khi mọi việc đã hoàn tất, chuẩn bị triển khai, ông Duân gọi bạn hàng đến chuyển giao công nghệ, mua phôi giống của họ thì mọi việc đổ vỡ. Nguyên nhân do bạn hàng cung cấp phôi giống không đạt yêu cầu, chỉ được 30-40%, nên thất bại hoàn toàn; tiền đặt cọc mua hàng, họ cũng không trả lại.

Vậy là, đích thân ông Duân phải vào cuộc. Kết nối với Viện Nấm, Viện Di truyền để mua giống, tìm hiểu sâu về cách sản xuất, nuôi trồng, thu hoạch nấm. Nhưng ông vẫn tiếp tục thất bại. Do khâu xử lý nguyên liệu chưa tốt (hấp tiệt trùng túi đựng nấm chưa kỹ) nên bị nhiễm vi rút, bệnh mốc trắng, dẫn đến hỏng phôi, phải đổ đi cả trăm triệu đồng.

Thất bại liên tiếp nhưng ông Duân không giao động, nản chí, vẫn tiếp tục tìm hiểu, để hoàn thiện quy trình sản xuất nấm như mong ước. Có lẽ, bản chất Bộ đội Cụ Hồ là động lực để ông Duân vượt qua những thất bại mà mình nếm trải trong quá trình “khởi nghiệp”.

Sau nhiều lần đổ bỏ, ông chủ động được nguồn giống và nhân giống nấm từ cấp 1 đến cấp 4. Đồng thời, cung cấp giống, tư vấn về kỹ thuật cho các CCB và bà con có nhu cầu trong vùng. Đến nay, gia đình ông Duân phát triển thành công mô hình trại sản xuất các loại nấm ăn có diện tích 2.500m2 với 25.000 bịch phôi thu hoạch 12,5 tấn/năm nấm thương phẩm. Ngoài bán nấm thương phẩm, gia đình ông còn sản xuất bán phôi nấm cho các cơ sở sản xuất nấm khác với 15.000 phôi/năm, với giá 7.000 đồng/phôi. Sản phẩm làm ra được thị trường đón nhận, đánh giá cao. Bình quân mỗi năm, cơ sở của ông thu về 500 triệu đồng từ bán nấm thương phẩm và hơn 100 triệu từ bán phôi giống.

Mô hình trại sản xuất các loại nấm ăn không chỉ đem lại thu nhập cho gia đình ông Duân mà còn giúp tạo việc làm cho 8 lao động thời vụ, 2 lao động thường xuyên.

Không những tiên phong trong làm kinh tế, ông Duân còn hướng dẫn bạn bè làm theo. CCB Nguyễn Văn Bảy, tổ 9, phường Duy Tân, T.P Kon Tum là người được ông Duân trực tiếp giới thiệu, hướng dẫn cách làm nấm cho biết: “Sau nghỉ hưu, mình vẫn còn sức khỏe và có nhu cầu làm gì đó vừa được vận động vừa cho thu nhập thì được ông Duân tư vấn cách trồng nấm. Hay quá! Công việc vừa sức, phù hợp với 2 vợ chồng nên tôi đầu tư làm luôn”. Hiện, gia đình ông Bảy có 150m2 sản xuất nấm, với hơn 3.000 bịch phôi. Bình quân thu hoạch 10-15 kg nấm/ngày. Phục vụ chủ yếu cho bà con trong vùng đặt hàng cố định hàng tuần, tháng, không phải đi chợ. “Sản xuất nấm không khó lắm, công viêc hợp với những người về hưu nên chúng tôi rất phấn khởi. Vừa làm vừa nghỉ ngơi cũng có thu nhập, cộng với tiền lương hưu như vậy là đủ cho 2 vợ chồng sinh hoạt và chăm sóc tuổi già” - ông Bảy chia sẻ thêm.

Với những kết quả đạt được và sự tận tình của mình, cơ sở sản xuất nấm của ông Duân đã và đang trở thành điểm đến của nhiều CCB, CQN và nhân dân trong vùng đến học tập, làm theo.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Đình Nguyên - Phó chủ tịch Hội CCB tỉnh Kon Tum cho biết: CCB Vũ Văn Duân không chỉ là cán bộ Hội có trách nhiệm cao, tâm huyết với công việc, lãnh đạo Hội CCB huyện Đắk Hà trở thành đơn vị hoạt động nổi bật của tỉnh; có nhiều đóng góp trong các phong trào thi đua của Hội mà còn là điển hình của tỉnh Kon Tum trong sản xuất kinh doanh. Thành công của đồng chí Duân đã góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Minh Anh