Trong bài viết thiển cận này có đoạn ông Cống viết: “Những tai họa do sự phá nát, sự hủy hoại truyền thống văn hóa, đạo đức, môi trường, đất nước, dân tộc là kết quả tất yếu của đấu tranh giai cấp, của vô sản chuyên chính, của công hữu hóa tư liệu sản xuất, của nền độc tài đảng trị. Những tai họa tất yếu này ban đầu những người Cộng sản chưa nhận thấy, đến khi nó bộc lộ rõ thì cố tinh bưng bít, che giấu, ngụy biện để đổ vấy cho các thế lực thù địch”.
Bài viết này ông Cống tỏ ra lươn lẹo hơn, biết “lách” hơn so với những bài viết trước. Nhưng do cái nhìn lệch lạc, giáo điều của ông, mà “đuôi con chuột” vẫn không giấu được.
Thưa ông, chắc ông chưa quên, trong lịch sử phát triển, con người vốn còn phần “con” của dã thú nên đã tham ác trong cuộc đấu tranh sinh tồn, kẻ mạnh, kẻ ác sẽ thắng kẻ yếu, kẻ hiền. Đó là bản chất của chủ nghĩa tư bản hoang dã mà chúng ta được học, được xem nhiều qua văn chương và phim ảnh. Vì thế mà loài người thấy cần có một sự công bằng. Đó chính là tính chất cơ bản nhất của chủ nghĩa xã hội. John Ball, một trong những lãnh đạo của cuộc khởi nghĩa nông dân ở Anh vào năm 1381, được coi là người có tư tưởng chủ nghĩa xã hội đầu tiên, đã nói câu nói nổi tiếng, tạm dịch ý như sau: Khi Ađam đào đất và Eve quay sợi, thì ai là chủ để họ phải trả tiền cho đây?
Trong thế kỷ XIX, cụm từ "chủ nghĩa xã hội" thường được các nhà phê bình xã hội châu Âu dẫn ra để phê phán chủ nghĩa tư bản. Cứ thế dần dần các nhà tư tưởng đã khái quát lại thành hệ thống lý luận của chủ nghĩa xã hội, đấu tranh cho một xã hội công bằng. Những người theo chủ nghĩa xã hội đã tự hình thành nhiều nhánh khác nhau. Riêng chủ nghĩa Mác - Lênin thì cho chủ nghĩa xã hội là giai đoạn nằm giữa quá trình từ chủ nghĩa tư bản tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Một số trường phái chủ nghĩa xã hội vẫn chấp nhận đa nguyên về kinh tế và chính trị, nhưng vẫn tạo ra sự bình đẳng xã hội bằng chính sách thuế và an sinh xã hội. Rõ ràng là chế độ xã hội chủ nghĩa là sự phát triển tất yếu của nền văn minh phải tốt đẹp hơn chế độ tư bản chủ nghĩa.
Chủ nghĩa Tư Bản hoang dã đã phát triển vô độ thành chủ nghĩa đế quốc, gây ra hai cuộc Đại chiến thế giới thứ nhất (1914-1918) và Đại chiến thế giới thứ hai (1939-1945). Khi chiến tranh chấm dứt, những nước chiến thắng lại chia phe, Mỹ đứng đầu một bên và Liên Xô đứng đầu một bên.
Vì bị chính trị hóa, các “phe” thường tự nhận, tự gán cho nhau những khái nhiệm chế độ không hoàn toàn đúng với bản chất đích thực của nó.
Thực tế đến nay không có nước nào tuyệt đối là một chế độ theo đúng định nghĩa của lý thuyết. Đến Liên Xô từng coi mình là “thành trì xã hội chủ nghĩa” nhưng thực tế cơ chế vận hành xã hội còn mang nhiều tính chất của xã hội phong kiến. Cũng chính vì thế mà nó đã là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến đổ vỡ sau này.
Còn Mỹ và các nước phương Tây thực ra là “được” phe xã hội chủ nghĩa gán cho theo chủ nghĩa tư bản. Nhưng thực tế, để tồn tại và phát triển, nhiều tính chất xấu xa của chủ nghĩa tư bản hoang dã đã có phần được khắc phục. Đúng như Wikipedia viết: “Lý tưởng của chủ nghĩa cộng sản là đối trọng cho chủ nghĩa tư bản trở nên tốt đẹp hơn để được xã hội loài người chấp nhận”.
Nhiều chính sách an sinh xã hội tại Mỹ và các nước phương Tây hướng về cộng đồng rõ ràng là mang tính chất của chủ nghĩa xã hội mà thời chủ nghĩa tư bản hoang dã không thể có. Cùng với nền tảng phát triển sẵn có, họ đã là “phe” thắng thế, được thế giới gọi là các nước phát triển, còn họ thì tự coi mình là thế giới tự do, dân chủ. Nhưng dù vậy tính chất của xã hội tư bản vẫn còn nhiều. Vẫn còn nguyên đó sự bất công trong hưởng thụ thành quả lao động, vì thế mới có Phong trào biểu tình “chiếm Phố Wall” - Phong trào của những người “đại diện cho 99% dân lao động” chống lại “1% giới tư bản”, cái “hệ thống được dựng lên để 1% những người giàu nhất nhận 40% chiếc bánh”.
Còn nước ta, trước năm 1945 là một nước nô lệ với chế độ phong kiến thối nát, suy tàn, thì khi được “thoát ách xiềng gông” coi xã hội chủ nghĩa là “lý tưởng tốt đẹp” cũng là điều dễ hiểu.
Từ một nước vua bị bắt đi đầy, tên nước bị xóa, hơn 2 triệu người chết đói, đến lúc được sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ kính yêu đã dành được độc lập là kết quả của “đấu tranh giai cấp”, của “chuyên chính vô sản” Việt Nam hôm nay có được cuộc sống thanh bình, mức sống người dân nói chung hơn nhiều lần ngày xưa, đất nước đã sánh vai được với các cường quốc năm châu. Đó chính là "tác dụng chính" thì không thấy ông Cống đề cập đến. Còn những tệ nạn, xấu xa của xã hội Việt Nam hôm nay mà ông Cống gọi là “tác dụng phụ” mà so với những thành tựu vĩ đại mà cuộc “đấu tranh giai cấp” mang lại thì đúng chỉ là những “chuyện vặt”.
Mắt ông Cống hỏng, hay do “tâm” ông Cống “đen” mà ông không nhìn thấy tương quan đó?
Cũng phải nói thêm rằng cái “tác dụng phụ” mà ông Cống nói đã và đang được Đảng, Nhà nước ta “chẩn đúng bệnh” và đưa ra toa thuốc phù hợp, vừa được cụ thể hóa trong Nghị quyết T.Ư 4 Khóa XII. Cái chính là quá trình điều trị có thực hành nghiêm chỉnh hay không mà thôi.
Còn chẩn bệnh và theo “toa” thuốc của loại đầu “đặc bê tông” như ông Cống đưa ra thì xã hội Việt Nam sẽ chỉ có loạn!
Đông La