Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đuối nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em từ 5 đến 14 tuổi. Tại Việt Nam, theo số liệu của Bộ LĐTBXH, mỗi năm có gần 2.000 trẻ dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước.

Đuối nước thường gặp vào các tháng mùa hè do thời tiết nắng nóng, đồng thời, thời điểm này trẻ em cũng được nghỉ hè, nhiều gia đình cho trẻ đi bơi tại các bể bơi, đi du lịch biển; trẻ em ở các vùng quê thường có thói quen tắm sông, suối, ao hồ cùng bạn. Đuối nước có thể gặp trong nhiều hoàn cảnh như: Trẻ không biết bơi ngã xuống ao hồ, sông suối; trẻ nhỏ khi đi bơi vô tình sang bể bơi người lớn, thậm chí có thể gặp ở những trẻ bơi rất giỏi nhưng bị chuột rút khi bơi, bạn bè nô đùa trong nước vô tình gây thương tích.

Dù đã được các cơ quan chuyên môn và truyền thông cảnh báo nhiều, nhưng số ca tai nạn đuối nước mỗi năm vẫn gia tăng. Vì vậy, để kịp thời ngăn chặn, hạn chế tối đa đuối nước và cấp cứu sai cách cho trẻ đuối nước, cần có sự chung tay của cả gia đình, cộng đồng.

Nguyên nhân đuối nước

Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em. Trong đó, nguyên nhân phổ biến nhất là do thiếu sự giám sát của người lớn, chủ quan của bố mẹ để trẻ tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm như sông, suối, ao, hồ.

Bên cạnh đó, một phần do trẻ không biết bơi, chưa được dạy kỹ năng đảm bảo an toàn và xử lý tình huống khi bị đuối nước. Nhiều trường hợp đuối nước do môi trường sống xung quanh không an toàn. Hoặc các em cứu lẫn nhau mà chưa có kiến thức trong việc cấp cứu, sơ cứu người bị chết đuối, dẫn đến tình trạng số lượng trẻ bị chết đuối tăng lên.

Một số cách phòng ngừa đuối nước

- Tránh xa những nơi sông nước nguy hiểm như: Không nên rủ nhau đi tắm ao, hồ, sông suối… trong khi không biết bơi. Không nên đi lại, chơi gần những nơi như: ao, hồ, sông suối hoặc bể nước, cống rãnh, miệng giếng… không có nắp đậy. Các hố ao sâu gây nguy hiểm cho trẻ em như hố vôi, hố lấy đất làm gạch ngói, hố lấy cát, hố lấy nước tưới hoa màu… cần phải tránh xa.

- Luôn theo dõi khi trẻ xuống nước hoặc chơi gần ao, hồ, bồn tắm…

- Chỉ cho trẻ bơi ở những khu vực có nhân viên cứu hộ.

- Nếu nhà có hồ bơi, nên lắp rào chắn xung quanh.

- Không để con bơi một mình.

- Người lớn, trẻ nhỏ luôn mặc áo phao khi đi thuyền.

- Cho trẻ học bơi (trẻ trên 4 tuổi) ở các lớp học về an toàn dưới nước.

- Người chăm sóc nên biết cách hồi sức tim phổi (kết hợp ấn ngực và hô hấp nhân tạo bằng miệng).

- Dạy về chết đuối trên cạn để con tự đề phòng, tự nhận biết dấu hiệu để kịp thông báo cho cha mẹ.

* Lưu ý khi trẻ đi tắm biển và bể bơi

- Phải có phao bơi an toàn.

- Không được cho trẻ tắm một mình xa tầm mắt người lớn.

- Luôn mang điện thoại, dùng khi gọi khẩn cấp, không rời mắt khỏi trẻ.

- Không để đồ chơi ở bể bơi khiến trẻ cố với.

- Chọn độ sâu phù hợp cho trẻ.

- Không cho trẻ nhai kẹo cao su trong lúc bơi.

Làm gì khi bị đuối nước? Nếu thấy mình bị đuối nước, ngay lập tức các em nhớ: Kêu cứu thật to; bình tĩnh làm nổi người lên bằng cách hít một hơi dài, thả lỏng người; bơi theo dòng nước để thoát khỏi chỗ xoáy, chỗ sâu và bơi vào bờ.

                                                                                  Thành An