Tại cuộc họp giữa Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu với năm Tổng Giám đốc các ngân hàng thương mại nhà nước và một số ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô lớn như: ACB, Sacombank, Eximbank, Techcombank, MB, VIB, VP Bank cuối tuần qua, các ngân hàng thương mại quyết tâm tiếp tục thực hiện chủ trương của Chính phủ về giảm dần mặt bằng lãi suất kinh doanh. Theo đại diện một số lãnh đạo ngân hàng thương mại thì hạ lãi suất không chỉ là mục tiêu, quyết tâm của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước mà còn là yêu cầu tự thân của các tổ chức tín dụng để đẩy mạnh sử dụng nguồn vốn đã huy động và tìm kiếm lợi nhuận kinh doanh. Trong điều kiện diễn biến kinh tế vĩ mô thuận lợi và sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại cho biết, trong những tháng qua đã cố gắng khắc phục khó khăn, tích cực thực hiện các biện pháp giảm dần lãi suất.
Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) cho biết, bắt đầu từ ngày 1-7, ngân hàng sẽ giảm mức lãi suất cho vay xuống còn tối đa 12,5%/năm đối với ba nhóm đối tượng, thay vì mức 13,5% như trước đây. Ðây là ngân hàng đầu tiên công bố hạ trần lãi suất cho vay đối với một số nhóm đối tượng sau khi các ngân hàng lớn đạt được đồng thuận vào cuộc họp cuối tuần qua. Theo đó, Vietinbank áp dụng chính sách lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND tối đa là 12,5%/năm đối với các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ; DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn; DN xuất khẩu. Riêng các DN xuất khẩu, để hưởng mức lãi suất trên phải có cam kết bán ngoại tệ cho Vietinbank.
Cũng từ ngày 1-7, Ngân hàng Thương mại Cổ phần ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) sẽ hạ lãi suất cho vay đối với các đối tượng này (chiếm 46% tổng số khách hàng của Vietcombank) xuống mức 12,3%/năm. Còn Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cam kết sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động và cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ.
Trước đó, các ngân hàng thương mại cổ phần khác cũng đã vào cuộc giảm lãi suất cho vay với nhiều mức ưu đãi khác nhau. Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) vừa tung ra gói "Tiếp vốn kinh doanh ưu đãi lãi suất". Theo đó, ACB sẽ giảm lãi suất 1,2%/năm cho tất cả các khoản vay kinh doanh từ 500 triệu đồng trở lên. Ðối tượng khách hàng là các cá nhân, hộ gia đình vay sản xuất, kinh doanh bằng VND, vàng, USD. Tổng Giám đốc ACB Lý Xuân Hải giải thích, mỗi ngân hàng có một cách làm nên sẽ chọn nhóm khách hàng khác nhau để ưu đãi. Với ACB, đây là một trong những chương trình được ACB triển khai nhằm thực hiện nghị quyết của Chính phủ kéo giảm lãi suất cho vay, giúp DN và cá nhân tiếp cận nguồn vốn có lãi suất hợp lý.
Công bố mới đây của Ngân hàng Phát triển Nhà TP Hồ Chí Minh (HDBank) cho thấy, lãi suất cho vay tín chấp xuất khẩu chỉ là 12%/năm. Ðây được xem là ưu đãi lớn bởi ngoài mức lãi suất thấp, DN không cần tài sản bảo đảm, được miễn giảm các loại phí dịch vụ và nhiều loại phí khác. Căn cứ vào hợp đồng ngoại và các hình thức thanh toán, DN có thể nhận được mức tài trợ lên đến 90% giá trị L/C hay 80% giá trị hợp đồng đối với thanh toán khác L/C.
Chưa dừng lại ở đây, một ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam là HSBC mới đây xác nhận mức lãi suất cho vay VND tại ngân hàng này hiện chỉ là 12-13%/năm đối với các khách hàng tốt.
Ngân hàng Nhà nước khẳng định, tiếp tục thực hiện các biện pháp (thông qua các công cụ của chính sách tiền tệ) để điều tiết mặt bằng lãi suất thị trường theo hướng giảm dần. Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại không thực hiện thêm các khoản khuyến mãi làm tăng mức lãi suất huy động thực tế, để bảo đảm sự đồng thuận cao của các thành viên Hiệp hội ngân hàng. Tuy vậy, để phù hợp thực tiễn, lãnh đạo các ngân hàng thương mại kiến nghị việc giảm mặt bằng lãi suất nên có lộ trình nhất định. Trước hết tập trung vào giảm lãi suất kỳ hạn ngắn và giảm lãi suất cho vay đối với các đối tượng khách hàng và lĩnh vực sản xuất, kinh doanh như Chính phủ đã chỉ đạo.
Cao Thúy