(Báo tháng 6) - Một trong những nhà bác học vĩ đại nhất thế kỷ 20 là Albert Einstein đã nói đại ý là tôn giáo gần với khoa học nhất chính là đạo Phật. Phải chăng vì thế mà hiện nay, ngày một nhiều người dân, cũng như các nhà trí thức ở các nước Âu, Mỹ đang say mê tìm hiểu và sống theo giáo lí nhà Phật.
Việc tìm hiểu và sống theo giáo lí nhà Phật là công việc của cả đời, ở đây tác giả bài viết này chỉ xin trình bày những hiểu biết ban đầu của mình về Phật giáo, hay đó cũng chính là kết quả thu hoạch được qua những buổi dự giảng ở Thiền Viện Yên Tử, Quảng Ninh, ở chùa Quán Sứ, chùa Kim Liên,… Hà Nội và qua những cuốn sách như Thiền căn bản của Đại sư Trí Khải (Trung Quốc) qua bản dịch của nhà sư Thích Thanh Từ, hay qua các cuốn Phật học căn bản của Thành hội Phật giáo Hải Phòng biên soạn, cuốn "Thế kỷ của tâm linh"" do nhà sư Thích Chân Quang biên soạn.
Nói đến giáo lí nhà Phật là nói đến Luật Nhân quả công bằng, như: Ai gây khổ cho người khác, sẽ phải chịu quả báo khổ trở lại. Ai đem niềm vui, hạnh phúc đến cho người khác, sẽ được bao nhiêu niềm vui, may mắn, hạnh phúc trở lại. Và đây cũng chính là định luật tự nhiên của vũ trụ, chứ nó không phụ thuộc vào Thần Thánh nào cả. Do vậy sống theo đạo Phật là tránh làm điều ác, gắng thương người giúp người để mình có quả báo ấm no, hạnh phúc về sau.
Theo Phật giáo, luật nhân quả thể hiện trong đời thường, có thể ví như: Ông A giúp ông B, nhưng sẽ được giúp lại bởi ông C. Bà E hại bà D, nhưng sẽ bị hại lại bởi bà F. Còn những người đã từng giúp nhau hay hại nhau thì khi gặp lại sẽ khởi sinh thương hay ghét mà thôi. Hiểu được luật nhân quả, chúng ta sẽ tự định đoạt được cuộc sống của mình, chứ không trông đợi vào các thế lực siêu nhiên nào khác.
Thứ nữa, đạo Phật có một đạo lí là Từ bi vô hạn. Đạo Phật dạy ta yêu thương con người vô hạn; yêu thương các loài muông thú, thậm chí cả các loài cỏ cây.
Ngày nay, khi loài người đã chịu những hậu quả nhỡn tiền do việc phá rừng, do việc săn bắn đánh bắt quá mức các loài vật làm mất cân bằng sinh thái thì chúng ta mới thấy lời Phật dạy từ hơn 2500 năm trước cần thiết đến mức nào. Phải chăng từ xa xưa, Đức Phật đã muốn con người phải sống hòa hợp với thiên nhiên, vì đó chính là cái nôi của sự sống, che chở và duy trì cho sự sống con người.
Đạo Phật còn cho ta một lí tưởng vô ngã. Nghĩa là con người chỉ có cuộc sống hạnh phúc, giác ngộ khi dẹp được cái tôi của mình để sống hòa hợp với cộng đồng.
Trong tài liệu "Sửa đổi lối làm việc" với bút danh XYZ, Bác Hồ cũng phê bình tư tưởng công thần của những người có công trong kháng chiến, nhưng trong thời bình thì thấy cái tôi của mình quá lớn, đâm hống hách, ngang ngược, không phấn đấu làm việc, nên lại thành trở ngại cho công cuộc xây dựng đất nước. Vì có người đánh giặc giỏi nhưng chưa chắc đã giỏi trong việc xây dựng, phục hồi đất nước. Vậy ta đừng thấy mình quan trọng quá mà quên cả cộng đồng xung quanh. Chính đạo Phật cũng cho ta phương pháp dẹp bỏ cái tôi kiêu ngạo để tâm hồn ta tĩnh lặng và dần trở nên thánh thiện hơn. Đó chính là phương pháp thiền định. Theo cuốn "Thế kỷ của tâm linh" của nhà sư Thích Chân Quang, do NXB Tôn giáo, Hà Nội phát hành năm 2011, trang 52, thì Bác Hồ cũng ngồi tọa thiền ở trong hang đá hoặc bờ suối hồi ở chiến khu Việt Bắc.
Đạo Phật còn dạy chúng ta đời là vô thường, nghĩa là luôn biến đổi theo lẽ tự nhiên. Do vậy chúng ta không được sống cứng nhắc, bảo thủ, giáo điều…
Để kết thúc bài viết này, xin gửi tới bạn đọc bài Kệ Vân của Trần Nhân Tông:
“Cư trần lạc đạo thả tùy duyên, Cơ tắc xan hề khốn tắc miên/ Gia trung hữu bảo hưu tâm mịch/ Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.”
Hòa thượng Thích Thanh Từ dịch:
“Ở đời theo đạo phải tùy duyên/ Đói ăn, khát uống mệt ngủ liền/ Trong nhà có báu thôi tìm kiếm/ Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền.”
Văn Minh Thiều