Tòa dinh thự được khởi công xây dựng năm 1898, hoàn thành năm 1903. Dinh thự có diện tích 1.120m2, có hình mai rùa vững chắc, được cụ Vương Chính Đức thuê thợ từ Trung Quốc sang xây dựng cùng những người thợ giỏi nhất vùng. Tổng kinh phí xây dựng khoảng 15.000 đồng bạc hoa xòe, tương đương khoảng 150 tỷ đồng thời nay. Dinh thự họ Vương được thiết kế theo kiểu kiến trúc nhà của người Hán, chia làm 3 phần: Tiền dinh, Trung dinh và Hậu dinh. Tiền dinh là nơi ăn ở của lính canh, cận vệ và nô tỳ. Trung dinh và Hậu dinh là nơi ở, làm việc của những người trong gia tộc họ Vương. Đây còn là một kiểu pháo đài phòng thủ, xung quanh được bao bọc bởi lớp tường đá dày 60-70cm, cao 2m, có nhiều lỗ châu mai, phía sau có 2 lô cốt kiên cố.

Cụ Vương Chính Đức ở tòa dinh thự được 44 năm thì mất. Trước khi mất, cụ chia dinh thự cho 2 người con và 1 người cháu: Tiền dinh do Vương Quỳnh Sơn - cháu đích tôn của Vương Chính Đức thừa kế. Trung dinh do Vương Chí Chư - con trai thứ 3 thừa kế. Hậu dinh do Vương Chí Sình - con trai thứ 4 thừa kế. Cô cháu nội của ông này tên Vương Thị Chờ, hiện là Hướng dẫn viên cho khách đến tham quan tòa dinh thự.

Trải qua bao thăng trầm và biến cố lịch sử, hiện nay, ngoài ngôi nhà một trong những hiện vật còn sót lại gắn với cuộc đời của Vương Chính Đức là bể nước đục bằng đá nguyên khối để đựng nước sinh hoạt phục vụ ông.

Năm 1993, Nhà nước công nhận Tòa dinh thự họ Vương là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia. Sau đó, dinh thự đã được trùng tu và thay mới một số chi tiết; tuy nhiên, về cơ bản, kiến trúc ngôi nhà vẫn được giữ nguyên. Ngày nay, với kiến trúc độc đáo và tuổi đời lâu năm, Tòa dinh thự họ Vương trở thành một điểm đến tham quan, du lịch không thể bỏ qua ở xứ Cao nguyên đá Đồng Văn đối với du khách trong nước và quốc tế.

Khôi Nguyên