Chiều 20/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về dự án Luật tín ngưỡng, tôn giáo.

Đa số các đại biểu cho rằng cần xây dựng dự án Luật tín ngưỡng, tôn giáo nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cũng như quan điểm, chủ trương của Đảng về tôn giáo và công tác tôn giáo, đồng thời khắc phục những hạn chế, tồn tại của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo hiện hành; bảo đảm phù hợp hơn nữa với các Điều ước, công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập.

Dự thảo Luật đã mở rộng phạm vi chủ thể về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quy định cụ thể sự tham gia của các tổ chức tôn giáo trong lĩnh vực giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo, dạy nghề, bổ sung quy định về hoạt động tôn giáo của người nước ngoài ở Việt Nam, quy định về hành vi cấm trong lĩnh vực tín ngưỡng tôn giáo nhằm tránh sự lợi dụng.

Các đại biểu cho rằng cần hạn chế đến mức thấp nhất việc can thiệp hành chính vào hoạt động nội bộ của các tổ chức tôn giáo. Trong dự thảo Luật, các quy định về quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo vẫn còn nặng nề; cách thể hiện trong các điều luật còn mang tính hành chính “xin-cho.”

Việc thực hiện các giáo lý, giáo luật, các hoạt động sinh hoạt tôn giáo của các tín đồ là một phần không thể thiếu. Để tạo điều kiện hoạt động, các tôn giáo thực hiện chia tách, sáp nhập đây là công việc nội bộ của các tôn giáo, thể hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, không nên cấm đoán, hạn chế, xin phép như dự thảo. Thực tế nếu cơ quan nhà nước không cấp phép hoạt động tôn giáo hoặc không cho phép sáp nhập, chia tách thì các hoạt động đó vẫn diễn ra bình thường.

PV