Biểu hiện của bệnh
Theo Giáo sư Lê Đức Hinh, Chủ tịch Hội Thần kinh học Việt Nam thì biểu hiện của bệnh mất ngủ là người bệnh thường khó đi vào giấc ngủ, khó duy trì giấc ngủ (đi ngủ sớm nhưng chỉ ngủ được 3-4 tiếng, sau khi tỉnh thì khó ngủ lại), ngủ chập chờn, không sâu giấc, chỉ ngủ thiếp đi một khoảng thời gian ngắn, trằn trọc không yên giấc, tỉnh dậy nhiều lần trong khi ngủ, mỗi lần dài hơn 30 phút, thức khuya mà không có cảm giác buồn ngủ, thức dậy sớm không ngủ lại được… là các triệu chứng mất ngủ. Ngoài ra, những dấu hiệu như ban ngày mệt mỏi, hay có cảm giác buồn ngủ, làm việc thiếu tập trung, cơ thể dễ bị kích thích cũng là một dạng mất ngủ.
Tình trạng này lặp lại thường xuyên sẽ trở thành bệnh mãn tính không chỉ gây tâm lý lo âu, chán nản mà còn dễ làm suy kiệt sức khỏe và làm phát sinh nhiều bệnh lý ở người cao tuổi.
Nguyên nhân gây mất ngủ ở người cao tuổi
Chia sẻ về nguyên nhân gây ra bệnh mất ngủ ở người cao tuổi, giáo sư Lê Đức Hinh cho biết: Nguyên nhân cơ bản gây mất ngủ là do các gốc tự do tấn công vào tế bào hệ thần kinh và não bộ, cơ thể bị lão hóa. Khi tuổi tác càng cao, các chức năng trong cơ thể đều bị suy giảm, đặc biệt là hệ thần kinh trung ương ảnh hưởng xấu đến chất lượng giấc ngủ, nhiều trường hợp còn bị mất ngủ kinh niên. Ngoài ra, còn do một số bệnh lý gây khó thở như suy tim, viêm phế quản, hen suyễn, xương khớp… gây ra.
Bên cạnh đó, các yếu tố bên ngoài như bản thân có những lo lắng quá mức, tinh thần bất ổn, sa sút trí tuệ cũng khiến người cao tuổi rơi vào trạng thái khó ngủ. Môi trường sống cũng có tác dụng không nhỏ đến giấc ngủ. Không khí ô nhiễm nhiều khói bụi, quá nhiều âm thanh, tiếng ồn, nhà chật chội đông người hay có nhiều ánh sáng trắng lọt vào phòng cũng trở thành một trong những nguyên nhân gây bệnh mất ngủ ở người già. Hay chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng, thừa đạm và các chất béo hoàn toàn không tốt cho sức khỏe và giấc ngủ của người trung niên. Việc sử dụng các thực phẩm chứa chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cà phê hay sâm cùng các chế phẩm của sâm cũng tác động xấu đến chất lượng giấc ngủ người già.
Giáo sư Lê Đức Hinh khuyên, để có một giấc ngủ ngon, người cao tuổi nên chú ý điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt phù hợp: đi ngủ và thức dậy đúng giờ, không nên thức quá khuya. Tránh các đồ uống chứa cà phê 8 giờ trước khi ngủ. Không chỉ nghỉ ngơi đơn thuần mà cần tập thể dục thường xuyên (đi bộ tối thiểu 30 phút mỗi ngày), đều đặn rất tốt cho một giấc ngủ ngon tuy nhiên không nên tập thể dục ngay trước khi ngủ. Ngoài ra nên giữ cho tinh thần luôn thoải mái, tránh căng thẳng, với phương châm “quẳng gánh lo đi và vui sống”.
Thành An