Phía ngược dòng vẫn là cây cầu sắt bắc qua sông, nối liền đường quốc lộ liên tỉnh, ngày đêm ầm ĩ tiếng xe qua, vẫn cây si già gốc mục một phần mở toác ra như một khe cửa hẹp. Thưở nhỏ, những đêm trăng chơi trốn tìm, anh và em đã chui vào trong ấy để cho lũ bạn gọi thua. Rồi cũng tại bến sông này, lần đầu tiên anh thấy em đã trở thành thiếu nữ. Khi em xuống bến cúi người múc nước, mái tóc đen dài trượt qua bờ vai tròn rơi xuống sông, để khi em gánh nước về, mái tóc dài làm ướt eo lưng...
Thời gian như nước chảy qua cầu, cuốn theo cả tuổi thơ của chúng mình theo dòng nước. Anh lên đường nhập ngũ, vào miền Nam chiến đấu. Ở nhà, cây cầu sắt trở thành mục tiêu ném bom của máy bay thù. Vừa tròn hai mươi tuổi, em tham gia lực lượng dân quân, trong tổ xung kích 1. Cứ mỗi lần máy bay Mỹ vào đánh phá, em lại lên chòi quan sát, đếm bom rơi và ghi chép: “Ngày 5 tháng 6, hồi 10 giờ trưa, đầu cầu phía bắc, Mỹ thả 6 quả bom phá, nổ 4 còn 2”. “Ngày 16 tháng 8, vào 4 giờ chiều, khu nhà trẻ liên cơ trúng 8 quả bom, nổ hết”. “Ngày 10 tháng 9, lúc 12 giờ trưa, giữa dòng sông phía dưới, có 10 quả bom khoan, nổ 7 còn 3”. “Ngày 13 tháng 9, bom bi nổ toàn khu vực...”. Ngày... Ngày... Cứ thế, trong lửa đạn mịt mờ, trong ác liệt, hiểm nguy, từng trận bom được em ghi lại rõ ràng để phòng tránh thương vong và phá nổ sau này.
Thế rồi trận ấy, chòi quan sát bị bom đánh trúng, hất em rơi xuống dòng sông. Dân làng tìm được xác em nơi bến nước, đưa lên bên gốc si già, nơi em đã thề hẹn đợi anh đến ngày chiến thắng, dù lâu mấy cũng chờ, để thành vợ thành chồng, sinh con đẻ cái. Nếu là con trai anh tập cho nó biết bơi, bắt cá. Nếu là con gái, em dạy con gánh nước, gội đầu. Vậy mà em lại không chờ. Người ra chiến trường không chết, lại hi sinh người đợi mong ở chốn quê nhà. Bến sông quê thân thuộc trở nên nặng mối tình riêng, như nguồn sức mạnh, nâng bước anh đi trên khắp nẻo đường...
Xương Giang