Đã quỵt nợ… còn la làng???
Vào lúc 13giờ 30, ngày 20-8-2012 tại số 25 Bis Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TPHồ Chí Minh khoảng 20 người là cán bộ nhân viên của Công ty CP Viễn thông An Đô và CN Cty Thép Thành Đô (Hà Nội) mặc đồng phục với khẩu hiệu “HDBank bảo lãnh rồi…xù nợ” và hàng chục băng rôn với hàng chữ lớn “Yêu cầu HDBank trả nợ” đã vây kín Hội sở Ngân hàng TMCP phát triển nhà TP.Hồ Chí Minh (HDBank).
Theo thông tin ban đầu là Chi nhánh HDBank Thăng Long (Hà Nội) đã ra chứng thư bảo lãnh mua hàng giữa Công ty CP Viễn thông An Đô (bên nhận bảo lãnh) với Công ty TNHH vật liệu mới Á Âu (bên được bảo lãnh) số tiền 10,69 tỷ đồng và Chi nhánh HDBank này cùng bảo lãnh cho CN Cty Thép Thành Đô (bên nhận bảo lãnh) với Cty CP đầu tư xây dựng Nhật Nam (bên được bảo lãnh) với số tiền 15,39 tỷ đồng. Nhưng đã quá hạn nhiều tháng nay HDBank không chịu thanh toán số tiền trên cho hai công ty trên.
Được biết, trước đó từ ngày 10 – 8 đến hết ngày 17 – 8 CBNV hai doanh nghiệp này đã tổ chức vây kín nhiều Chi nhánh, phòng giao dịch của HDBank tại Hà Nội nhưng cho đến nay HDBank vẫn chưa đưa ra được phương án để trả tiền cho hai doanh nghiệp này.
Để chống chế vấn đề này, ngay chiều 20-8-2012 HDBank đã ra văn bản số 722/2012/CV-HDBank gửi cơ quan chức năng và tổng biên tập các cơ quan báo chí, khẳng định: Do hồ sơ đang được cơ quan chức năng thụ lý và phải chờ có kết luận. Theo văn bản này, HDBank cho rằng: “Hiện ngành ngân hàng nói chung và HDBank nói riêng đang tích cực thực hiện chủ trương của Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, ổn định kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, hoạt động ngân hàng cũng là lĩnh vực nhạy cảm, và để không ảnh hưởng tới sự ổn định của toàn hệ ngân hàng, rất mong Quý lãnh đạo quan tâm chỉ đạo không đưa tin những thông tin liên quan đến vụ việc tụ tập trên, gây ảnh hưởng đến quá trình phục vụ khách hàng của ngân hàng nói chung và HDBank nói riêng”.
Ở đây có thể thấy ngay được rằng đã có sự nguỵ biện ngay từ phía HDBank. Dư luận đang đặt ra câu hỏi: Liệu HDBank không sai thì liệu các DN trên có tụ tập bao vây Hội sở và chi nhánh của ngân hàng? Do đó, những lý do mà HDBank đưa ra là “đang tích cực thực hiện chủ trương của Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, ổn định kinh tế vĩ mô” thì trái ngược với điều này thì các DN trên đã cho rằng: “HDBank đang đi giật nợ của mình” nên băng rôn, khẩu hiệu đã ghi rõ “HDBank bảo lãnh rồi…xù nợ”; “Yêu cầu HDBank trả nợ”.
Có hay không HDBank “tiếp tay” cho bảo lãnh giả?
Thực tế, những sai phạm tại HDBank đã được nhiều cơ quan thông tấn, báo chí đã đưa tin phản ánh. Trong đó, về vụ việc HDBank bảo lãnh rồi đến kỳ hạn nhưng không trả tiền cho Công ty CP Viễn thông An Đô và CN Cty Thép Thành Đô cũng đã được chứng tôi phản ánh. Tuy nhiên, gần đây tại hệ thống của HDBank đã xuất hiện hàng loạt chứng thư bảo lãnh cho DN nhưng HDBank đã cho là giả. Nhưng ngay cơ quan chức năng vào cuộc đã khẳng định về những chứng thư này HDBank phải là người chịu trách nhiệm hoàn trả tiền cho DN. Cụ thể, tại Kết luận số 5/KLĐT-PA92 của cơ quan ANĐT Đồng Nai, thì do hám lợi, ngày 23 và 30-8-2011 Khiếu Ngọc Anh đã ký hai chứng thư bảo lãnh thanh toán số 0166/BL-HDB và 0168/BL-HDB cho cho Công ty CP tập đoàn Hiệp Đồng Tâm để thanh toán hợp đồng mua bán xăng dầu cho Công ty TNHH một thành viên thuộc Tổng công ty 28 – Bộ Quốc phòng. Hai chứng thu bảo lãnh này, Anh không báo cáo cho hội sở và không thu phí cũng như yêu cầu phía Công ty Hiệp Đồng Tâm đặt tài sản bảo lãnh. Sau khi có chứng thư bảo lãnh Công ty Hiệp Đồng Tâm đã liên tiếp mua ghi nợ vật tư nhiều lần của Tổng công ty 28 và tính đến ngày 14-9-2011 Công ty Hiệp Đồng Tâm còn nợ số tiền trên 4,86 tỷ đồng. Tuy nhiên, do Công ty Hiệp Đồng Tâm không thực hiện thanh toán tiền xăng dầu, ngày 17-9-2011, Tổng công ty 28 yêu cầu HDBank thực hiện nghĩa vụ pháp lý phải thanh toán số nợ trên.
Theo Cơ quan điều tra Đồng Nai thì Khiếu Ngọc Anh thực hiện hành vi cố ý vi phạm quy định về thẩm quyền bảo lãnh ngân hàng HDBank nhằm mục đích trục lợi bất chính. Hành vi trên vi phạm kỷ luật nội bộ của HDBank. Nhưng Anh thực hiện hành vi trong khi thừa hành chức trách Trưởng phòng giao dịch HDBank Long Bình Tây của HDBank do đó quy định của điều 618 Bộ luật dân sự nước CHXHCN Việt Nam thì HDBank phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường cho Tổng công ty 28 – BQP số tiền trên 4,86 tỷ đồng xuất phát từ hai chứng thư bảo lãnh trái luật trên. Đồng thời, Công ty Hiệp Đồng Tâm và giám đốc doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm hoàn trả số tiền trên cho HDBank.
Vấn đề đặt ra là với hàng loạt những bảo lãnh được cho là giả tại HDBank, nhưng trong một thời gian dài ngân hàng này đã không đưa ra được phương án xử lý dứt điểm mà tại thời điểm này thì ngân hàng này vẫn cho rằng phải chờ cơ quan chức năng?.
Trong khi đó, theo các chuyên gia về kinh tế ngân hàng muốn xử lý được vấn đề này thì điều trước tiên phải tìm ra cái gốc của vấn đề. Thực tế, ở đây có thể nhận thấy tất cả các bảo lãnh trên đều là giao dịch mua hàng hoá giữa các doanh nghiệp được bảo lãnh và bên hưởng thụ. Các giao dịch mua bán là rất cụ thể. Nhưng cho đến nay, ngay cả khi đã có kết luận điều tra đã chỉ rất rõ về trách nhiệm của các bên liên quan. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi thì HDBank chưa xử lý rốt ráo và ngay cả việc gắn trách nhiệm của doanh nghiệp được bảo lãnh (bên mua hàng) trong việc trả tiền cho HDBank hay xử lý tài sản đã thế chấp trước khi ra chứng thư bảo lãnh.
Do đó, dư luận đang đặt ra câu hỏi: Vì sao HDBank không tập trung xử lý triệt để những sai phạm hay đã có sự tiếp tay cho chính những chứng thư bảo lãnh “ảo” trên?
Lê Thanh