Đây là chủ trương lớn với mục đích hỗ trợ cho người sản xuất nông nghiệp chủ động khắc phục, bù đắp thiệt hại tài chính do hậu quả của thiên tai, dịch bệnh gây ra, góp phần bảo đảm ổn định an sinh xã hội nông thôn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp.
Bảo hiểm lỗ nặng
Việc thực hiện thí điểm bảo hiểm tôm nuôi tại các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng do Công ty bảo hiểm Bảo Việt đảm trách; tại tỉnh Cà Mau do Công ty bảo hiểm Bảo Minh đảm trách. Thời gian đầu, các doanh nghiệp rất khó khăn trong việc vận động người dân tham gia bảo hiểm. Khi có chính sách hỗ trợ theo Quyết định 315, thì các hộ nông dân nghèo sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp được hỗ trợ 100% phí; hộ cận nghèo được hỗ trợ 80% phí, 60% cho hộ không thuộc diện nghèo, cận nghèo và 20% cho tổ chức sản xuất nông nghiệp. Thấy được lợi ích thiết thực này, nông dân tham gia bảo hiểm với số lượng tăng dần. Tuy nhiên, sự dễ dàng này kéo dài không được bao lâu thì tôm nuôi liên tiếp thiệt hại, khiến số tiền phải chi cho bảo hiểm của các tỉnh này khá nhiều, nên các công ty bảo hiểm gần như mất khả năng chi trả.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo thực hiện thí điểm bảo hiểm tôm tỉnh Sóc Trăng, từ tháng 3 đến tháng 8-2012 đã bán bảo hiểm cho 3.447 hộ với trên 2.666 ha đất nuôi tôm, nhưng rủi ro thế nào diện tích tôm chết lại rơi đúng vào những hộ mua bảo hiểm. Tổng phí bảo hiểm thu được hơn 70,3 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ trên 45 tỷ đồng, còn lại của người tham gia bảo hiểm. Đến tháng 3-2013, có 3.156 hồ sơ yêu cầu bồi thường với tổng số tiền lên đến 218,2 tỷ đồng. Sau khi giải ngân được gần 99 tỷ đồng (2.135 hồ sơ), bảo hiểm nghi ngờ trên 261 hồ sơ có dấu hiệu trục lợi nằm trong chồng hồ sơ của 1.021 trường hợp chờ bồi thường. Còn tại tỉnh Bạc Liêu, vụ tôm năm 2012 toàn tỉnh thu được phí bảo hiểm trên 47 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ gần 29 tỷ đồng, do tôm nuôi liên tiếp thiệt hại, khiến số tiền phải chi cho bảo hiểm của tỉnh này lên đến trên 200 tỷ đồng, hiện đã chi trả trên 130 tỷ đồng, còn lại gần như mất khả năng chi trả.
Trong khi tỷ lệ thiệt hại tôm nuôi của Sóc Trăng năm 2012 chỉ ở mức 50%, nhưng với những diện tích tham gia bảo hiểm thì tỷ lệ thiệt hại lên tới 84%. Đáng lẽ mức thiệt hại này phải thấp hơn mức thiệt hại chung của tỉnh vì khi tham gia bảo hiểm nuôi tôm, người tham gia phải tuân thủ đúng các quy tắc, quy trình nuôi của doanh nghiệp bảo hiểm quy định: Quy trình cải tạo ao nuôi, nhật ký nuôi, chăm sóc hàng ngày, nguồn giống, kích cỡ tăng trưởng... Các doanh nghiệp bảo hiểm cho rằng: Nguyên nhân phải bồi thường số tiền lớn như vậy chủ yếu là do địa bàn quá rộng, tình hình thiệt hại quá lớn, nhân lực thiếu, việc giám định, lấy mẫu bệnh tôm có khi lại giao cho cán bộ địa phương tham gia nên sẽ không tránh khỏi sai sót. Trên thực tế, đã phát hiện nhiều kẽ hở trong quy tắc, các văn bản hướng dẫn thực hiện, khung tỷ lệ bồi thường... dẫn đến dễ bị trục lợi, tạo ra nhiều dư luận không tốt. Đã có thông tin cho rằng, việc bảo hiểm thua lỗ nặng như vậy là do công tác quản lý, giám sát không chặt chẽ, dẫn đến tình trạng gian lận để được chi trả bảo hiểm.
Người nuôi khó tiếp cận bảo hiểm con tôm
Việc triển khai thí điểm bảo hiểm cho người nuôi tôm là chính sách hợp lòng dân, nhất là đối với người dân nghèo được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ. Thế nhưng, chương trình này đang bị tắc, người dân mua bảo hiểm gặp rủi ro lại không được đền bù, còn doanh nghiệp lo ngại chính sách bị lợi dụng.
Vụ tôm 2013 đến thời điểm này đã là tháng cuối của mùa vụ thả tôm nuôi, người nuôi tôm chờ “mỏi cổ” vẫn chưa thấy công ty triển khai bán bảo hiểm vì còn vướng “chưa được trên phê duyệt”. Ngoài việc đóng tiền không làm hợp đồng bảo hiểm, rất nhiều người dân còn bức xúc trước việc đơn vị bảo hiểm chậm trả tiền bồi thường thiệt hại. Theo ông Lâm Thành Kính, xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, do không nhận được tiền bảo hiểm nên gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn, không có tiền tái đầu tư nuôi tôm tiếp tục. Rất nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng bị “treo” tiền bảo hiểm như ông Kính. Còn ông Ngô Thanh Dân ở xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu, năm 2012 gia đình đã nuôi 8 ha tôm theo mô hình quảng canh, ông đã mua bảo hiểm tôm trên toàn bộ diện tích, khi bị thiệt hại được bồi thường trên 230 triệu đồng. Đầu năm 2013, ông tiếp tục mua bảo hiểm, tôm lại bị thiệt hại, nhưng Công ty Bảo Việt Bạc Liêu chậm bồi thường khiến gia đình khánh kiệt không có vốn để thả tôm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hoàng Phương, Giám đốc Công ty bảo hiểm Bảo Việt Sóc Trăng cho biết, tiền bồi thường thiệt hại tôm năm 2012 chưa giải quyết dứt điểm. Do đó, việc triển khai bảo hiểm tôm từ nay đến cuối năm đang gặp khó khăn vì chưa có thông báo mới nhất nào từ lãnh đạo cấp trên cũng như Bộ Tài chính. Trong khi đó, số tiền bồi thường theo dự kiến có thể tăng lên 240 tỷ đồng trong khi tổng phí thu được chỉ 70 tỷ đồng khiến doanh nghiệp lỗ nặng.
Trong chuyến làm việc tại tỉnh Sóc Trăng vừa qua, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đã đề nghị Bộ Tài chính sớm chỉ đạo, chấn chỉnh, hướng dẫn thực hiện bảo hiểm tôm nuôi cho người nông dân vì bảo hiểm cho nông dân là việc làm có tính chất nhân đạo, chia sẻ rủi ro với người nông dân, không vì những sai phạm nhỏ mà không triển khai thực hiện. Bộ Tài chính cần hướng dẫn ngay việc tiếp tục chi trả cho nông dân, đồng thời có chỉ đạo kịp thời đối với những trường hợp sai phạm. Đồng chí khẳng định: Bộ Tài chính, Bộ NNPTNT và Chính phủ sẽ tìm cách tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp bảo hiểm và địa phương để tiếp tục thực hiện thành công thí điểm bảo hiểm nông nghiệp và chuẩn bị điều kiện triển khai rộng.
Bài và ảnh: Phương Nghi