Các đại biểu dự cuộc tọa đàm

       Đó là chủ đề  chính của cuộc tọa đàm do Hội Nhà báo thành phố Hà Nội phối hợp với Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hà Nội, Báo Tuổi trẻ Thủ đô tổ chức vào chiều 24-3. Đây là một trong những hoạt động của giới báo chí Thủ đô chào mừng kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025). Tọa đàm thu hút gần 200 chuyên gia, nhà khoa học, nhà báo tiêu biểu của cả nước và Thủ đô. Gần 20 tham luận trong số  hơn 50 tham luận   gửi tới Ban Tổ chức  đã được trình bày cuộc tọa đàm.

         Các ý kiến phát biểu tại tọa đàm đều khẳng định vai trò quan trọng của báo chí, truyền thông trong công tác xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đồng thời kiến nghị các giải pháp nhằm phát huy hơn nữa vai trò của báo chí, truyền thông ở nhiệm vụ quan trọng này.  

Đại tá, nhà báo Đỗ Phú Thọ - Phó Tổng Biên tập Báo Cựu chiến binh Việt Nam phát biểu tại tọa đàm

          Tại cuộc tọa đàm, Đại tá, nhà báo Đỗ Phú Thọ, Phó Tổng Biên tập  Báo Cựu chiến binh Việt Nam đã trình bày tham luận “Giữ gìn các giá trị truyền thống, góp phần tạo động lực thúc đẩy Thủ đô phát triển”. Trong đó nhấn mạnh:  “Với Hà Nội, báo chí của cả nước nói chung và của Thủ đô nói riêng trong những năm qua đã góp phần tạo động lực thúc đẩy Thủ đô phát triển. Báo chí là cầu nối giữa “ý Đảng, lòng dân”, chuyển tải những thông tin, lãnh đạo chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND, các cơ quan chức năng của thành phố, các địa phương trong thành phố đến các tầng lớp nhân dân” .

Để phát huy tốt hơn nữa vai trò của báo chí trong công tác tuyên truyền các quy tắc ứng xử gắn với thực hiện phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Thủ đô thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng”, nhà báo Đỗ Phú Thọ đề nghị cần sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan báo chí và các cơ quan chức năng của thành phố trong việc cung cấp, định hướng thông tin. Các cơ quan báo  chí cần phát huy   ưu thế của mỗi loại hình như : Phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử, tạp chí... để đưa các  chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố vào cuộc sống.

Cần có cơ chế khuyến khích các nhà báo phát hiện và biểu dương những nhân tố mới, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước; góp phần phát hiện và đề xuất cách giải quyết những vấn đề phát sinh trong cuộc sống;  đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng và các tệ nạn xã hội.

Các cơ quan Thành phố, nhất là lãnh đạo các sở, ngành  cần chủ động cung cấp thông tin cho báo chí để định hướng dư luận.

Tin, ảnh: Phú Quý- Vũ Cường