Quan hệ thương mại giữa ASEAN và Trung Quốc đang tiến triển tốt, nhưng về tổng thể vẫn cần tăng cường xây dựng lòng tin.

Ngày 22-11, cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập quan hệ ngoại giao ASEAN - Trung Quốc diễn ra. Khác với các cuộc họp trước đó, lần này đích thân Chủ tịch Tập Cận Bình cùng điều hành cuộc họp với Quốc vương Brunei - Hassanal Bolkiah - Chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm 2021.

Việc các nhà lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc gặp nhau ở cuộc họp này có tầm quan trọng đặc biệt không chỉ ở việc ông Tập Cận Bình đích thân tham dự thay vì Thủ tướng Trung Quốc - Lý Khắc Cường. Cuộc họp, diễn ra chỉ chưa đầy 30 ngày sau một cuộc họp nâng mối quan hệ lên thành Đối tác chiến lược toàn diện giữa ASEAN và Trung Quốc đã được hoàn tất hôm 26-10, cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của ASEAN trong khu vực.

Không phải không có cơ sở khi nói ASEAN ngày càng có tầm ảnh hưởng với Trung Quốc. Năm 2020, thương mại song phương ASEAN - Trung Quốc đạt 732 tỷ USD, đưa ASEAN lần đầu tiên thay thế Liên minh châu Âu (EU) trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Hơn nữa, Trung Quốc cũng cần sự ủng hộ của các quốc gia ASEAN trong các thể chế thương mại đa phương, nhất là khi 4 trong 11 thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là các quốc gia ASEAN và tháng 9-2021, Trung Quốc đã nộp đơn xin gia nhập hiệp định này.

Đó là về lĩnh vực kinh tế. Trên mặt trận an ninh, sự ủng hộ của ASEAN là điều Trung Quốc rất cần nhưng chưa có khi nào chiến lược của các nước lớn đều nhằm vào khu vực trong lúc cuộc cạnh tranh toàn diện Mỹ - Trung chưa có hồi kết, dù Tổng thống Mỹ - Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình đã có cuộc hội đàm trực tuyến vào ngày 15-11-2021. Việc Mỹ đứng ra tăng cường và thành lập các liên minh mới như nhóm "tứ giác kim cương" (QUAD), thỏa thuận an ninh ba bên (AUKUS) và củng cố khối liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong khi tăng cường mạnh hơn quan hệ quốc phòng với các đồng minh trong khu vực chắc chắn là điều khiến Trung Quốc quan ngại.

Tuy vậy, để có được sự ủng hộ của ASEAN, Trung Quốc cũng cần phải tỏ rõ thiện chí bằng những việc làm thiết thực góp phần củng cố lòng tin trong khu vực. Cuộc họp thượng đỉnh lần này diễn ra trong lúc một số thành viên ASEAN phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc cản trở các hoạt động của họ ở Biển Đông trước thực tế Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép và quân sự hóa nhiều đảo, đá ở Biển Đông và bị cộng đồng quốc tế lên tiếng phản đối. Đã thế, năm 2022 sẽ kỷ niệm tròn 20 năm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa ASEAN và Trung Quốc. Nhân dịp này, hai bên mong muốn sẽ hoàn tất Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Có được một COC mang tính ràng buộc là điều quốc gia nào trong và ngoài khu vực cũng mong muốn, nhưng COC đó như thế nào lại là chuyện đáng nói. Bắc Kinh chỉ có thể ủng hộ một COC ràng buộc về mặt pháp lý với điều kiện phiên bản đề xuất COC của họ đưa ra chiếm ưu thế trong các cuộc đàm phán. Các đề xuất gây tranh cãi của Trung Quốc xuất phát từ việc Trung Quốc muốn vấn đề Biển Đông chỉ là câu chuyện giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN, bao gồm các điều khoản hạn chế sự can dự của các nước ngoài khu vực vào Biển Đông.

Nếu quan điểm của Trung Quốc vẫn cứng rắn như vậy thì COC, từ một bộ quy tắc mang tính ràng buộc và nghĩa vụ pháp lý đã bị nhuốm màu chính trị. Biển Đông không phải chỉ là vùng biển của khu vực hay “ao nhà” của Trung Quốc mà là một vùng biển quốc tế và phải chịu sự chi phối của luật pháp quốc tế. Hơn nữa, nếu theo quan điểm của Trung Quốc, các hoạt động hợp tác kinh tế của các quốc gia thành viên ASEAN ở Biển Đông sẽ mất đi tính tự chủ, độc lập. Trong khi rất cần một COC để hoạt động trên Biển Đông được “chuẩn chỉ” hơn, chắc hẳn mỗi thành viên ASEAN đều ý thức được đây là lúc phải thể hiện bản lĩnh của mình vì chủ quyền, độc lập và quyền tự quyết của mỗi quốc gia.

Thanh Huyền