Vụ phóng tên lửa của Triều Tiên ngày 14-1-2024.

Trong khi đang tập trung sự chú ý vào các vấn đề “cực nóng” như cuộc xung đột Ukraine - Nga hay tình hình Trung Đông, thì thế giới dường như lại ít quan tâm đến những động thái gây “sốc” trên bán đảo Triều Tiên.

Ngày 15-1-2024, trong bài phát biểu trước Hội đồng nhân dân Tối cao (Quốc hội Triều Tiên), Nhà lãnh đạo Triều Tiên - Kim Jong Un đánh giá việc thống nhất với Hàn Quốc là không còn khả thi nữa, cáo buộc Seoul đang tìm cách khiến chế độ Bình Nhưỡng sụp đổ và thống nhất bằng cách sáp nhập. Ông Kim Jong Un cho rằng Triều Tiên nên sửa đổi Hiến pháp để giáo dục người dân nước này không xem người Hàn Quốc là đồng hương mà xem Hàn Quốc là "kẻ thù chính và kẻ thù không thay đổi"; kêu gọi cắt đứt mọi liên lạc liên Triều, xác định Triều Tiên có lãnh thổ tách biệt với Hàn Quốc, lên kế hoạch "chiếm đóng, chinh phục và giành lại hoàn toàn" Hàn Quốc trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến. "Chúng ta không muốn chiến tranh, nhưng chúng ta cũng không có ý định tránh nó" - Hãng thông tấn T.Ư Triều Tiên (KCNA) dẫn lời ông Kim.

Về phía Hàn Quốc, cùng ngày, Tổng thống Yoon Suk Yeol cam kết sẽ trừng phạt Triều Tiên "mạnh gấp nhiều lần" trong trường hợp Bình Nhưỡng thực hiện hành động chống lại Seoul. Tiếp ngay sau đó, ngày 17-1, Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đã tiến hành cuộc tập trận hải quân chung ở vùng biển phía Nam bán đảo Triều Tiên, nhằm “tăng cường khả năng phản ứng của 3 quốc gia trước các mối đe dọa đối với an ninh hàng hải”. Đáp lại, ngày 19-1, Triều Tiên tiến hành thử nghiệm hệ thống vũ khí hạt nhân dưới nước, như một  động thái phản đối cuộc tập trận chung Hàn - Mỹ - Nhật…

Nhiều nhà quan sát lý giải cách tiếp cận mới của Nhà lãnh đạo Triều Tiên đối với Hàn Quốc như là một nỗ lực thoát ra khỏi sự cô lập về ngoại giao và củng cố vị thế của Triều Tiên trong khu vực. Sức mạnh hạt nhân và tên lửa tiên tiến cùng với mối quan hệ ngày càng thân thiết với hai siêu cường hàng xóm Nga và Trung Quốc (mà ông Kim Jong Un gọi là mặt trận thống nhất chống lại Mỹ trong “Chiến tranh Lạnh mới”) đã giúp ông cảm thấy đủ tự tin để thực hiện những thay đổi này.

Theo ông Hong Min - nhà phân tích tại Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc thì Bình Nhưỡng không còn coi Seoul là bên trung gian hữu ích để đạt được những nhượng bộ từ Washington. Thay vào đó, Hàn Quốc đã trở thành trở ngại cho những nỗ lực của Triều Tiên nhằm tạo ra sự can dự quyết đoán hơn trong các vấn đề toàn cầu. Nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể đang củng cố cách tiếp cận trước đây của Triều Tiên là phớt lờ Hàn Quốc và cố gắng đàm phán trực tiếp với Mỹ. Theo ông Hong, bởi Bình Nhưỡng cho rằng Hàn Quốc không phải là bên trực tiếp tham gia Hiệp định đình chiến trong chiến tranh Triều Tiên 1950-1953: lệnh ngừng bắn ngày ấy được ký kết giữa Bộ Tư lệnh lực lượng Liên Hợp quốc do Mỹ dẫn đầu, Triều Tiên và Trung Quốc mà không có Nam Triều Tiên. Ông Hong cũng cho rằng, việc tuyên bố Hàn Quốc là kẻ thù thường trực chứ không phải đối tác tiềm năng để hòa giải cũng có thể nhằm mục đích mở rộng biên độ sử dụng học thuyết hạt nhân của ông Kim, cho phép quân đội tiến hành các cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu chống lại kẻ thù nếu giới lãnh đạo bị đe dọa.

Lý giải thêm dấu hiệu cho thấy “Triều Tiên đang hướng tới việc phá hủy những gì mà họ cho là ảo tưởng về sự thống nhất”, Giáo sư Park Won Gon tại Đại học Ewha (Seoul) cho rằng: Trọng tâm dài hạn của ông Kim là buộc Washington chấp nhận ý tưởng coi Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân; ông có thể có ý định làm gia tăng căng thẳng trong năm bầu cử ở Mỹ, nhằm tiến tới các cuộc đàm phán cuối cùng với bất kỳ ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm nay.

Trong khi một số nhà phân tích chính trị lo ngại rằng cách tiếp cận mới của Nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể kích hoạt những rủi ro lớn hơn trên bán đảo Triều Tiên, thì nhiều người lại có cái nhìn khác đối với nguy cơ này. Giáo sư Lim Eul-chul (Viện Nghiên cứu Viễn Đông, Đại học Kyungnam, Seoul) đánh giá: “Không thể loại trừ nguy cơ xảy ra xung đột liên Triều, nhưng Triều Tiên có thể chọn cách thử thách khả năng của Hàn Quốc dưới ngưỡng xung đột toàn diện. Những sự kiện chính trị quan trọng ở Hàn Quốc (bầu cử Quốc hội vào tháng 4-2024) và Mỹ (bầu cử Tổng thống vào  tháng 11-2024) có thể là lý do khiến ông Kim chọn cách tiếp cận như vậy”.

           Đăng Song