Cháo gạo lứt cà rốt.
Theo Y học cổ truyền, bệnh lao phổi là phế lao. Ngoài việc dùng thuốc chống lao theo phác đồ trị liệu của Y học hiện đại thì Y học cổ truyền cũng có các bài thuốc hỗ trợ điều trị hiệu quả. Sau đây là một số bài thuốc thường dùng:
Bài thuốc bổ âm mát phổi trị lao phổi: Gạo lứt 10g, hoa huệ khô 300g. Cách chế biến: Gạo vo sạch, hoa huệ ngâm nước ấm cho mềm, sau đó cho gạo lức, một ít đường nấu thành cháo ăn thường xuyên.
Bài thuốc thanh nhiệt giải độc, bồi bổ sức khỏe, thanh phế lợi hầu hết ho, trị lao phổi: Gạo lứt 100g, quả trám 50g, cà rốt 100g, đường trắng 100g. Cách chế biến: Gạo vo sạch cho vào nồi, đổ 1 lít nước, trám rửa sạch luộc sôi, bỏ hạt, thái nhỏ, cà rốt rửa sạch thái hạt lựu. Ninh cháo cho hạt gạo nở ra rồi cho trám, cà rốt, đun nhỏ lửa cho nhừ. Thêm đường trắng, để nguội ăn, ngày chia 2 lần, dùng liền 7 ngày.
Bài thuốc bổ âm trị lao phổi: Trứng gà 1-2 quả, trà xanh 1g, mật ong 25g. Cho cả ba thứ vào nồi, đổ 300ml nước, cho nhỏ lửa, đun sôi, trứng chín tới là được. Ngày dùng 1 lần sau khi ăn sáng. 7 ngày một liệu trình.
Bài thuốc bổ phổi khỏi ho, chữa lao phổi, viêm khí quản mạn: Gạo lứt 100g, phổi lợn 250g. Cách chế biến: Gạo vo sạch để ráo, cho gạo, đun nhỏ lửa, ninh cháo chín nhừ. Sau đó cho phổi đã thái nhỏ vào, thêm gia vị, gừng, hành hoa, bột canh. Ngày ăn 1 bát chia 2 lần, 7 ngày một liệu trình.
Bài thuốc dưỡng âm, thanh nhiệt, nhuận phổi, khỏi ho: Gạo lứt 100g, bách hợp khô 50g, đường trắng 100g. Cách chế biến: Vo gạo kỹ cho vào nồi, bách hợp đãi sạch cho vào cùng với gạo đổ 1 lít nước, ninh cháo chín nhừ cho đường vào là được. Ngày 1 bát, chia ăn 2 lần, dùng liền 5 ngày.
Bài thuốc giúp phổi hồi phục, hô hấp ổn định: Đảng sâm, hoài sơn, bạch truật mỗi vị bằng nhau khoảng 15g. Tất cả rửa sạch, cho vào ấm, đổ 400ml nước sắc còn 150ml, uống thay trà hằng ngày.
Để bài thuốc hiệu quả, phù hợp với thể trạng và mức độ bệnh thì cần lương y có uy tín bắt mạch kê đơn.
Hải Tiến