Nhà thơ ít được rong chơi một mình ở ngoài đường, thường bị nhốt trong nhà. Tuy vậy thỉnh thoảng ông cũng trốn ra ngoài! Mỗi lần như thế, người quản gia đều bắt được. Để ông khỏi đi lung tung, họ vẽ một vòng phấn, bắt nhà thơ đứng vào giữa, với điều kiện, nếu ra khỏi vòng phấn sẽ bị đánh đòn.
Tagore phải chịu như vậy hàng giờ; khi đứng, khi ngồi cho đỡ mỏi. Trong lúc đó, ông thường phóng mắt qua cửa sổ, nhìn ngắm bầu trời, cây cối, những con đường, hồ nước; lắng nghe lao xao tiếng người nói ở chợ đông gần đấy và tiếng chim ríu rít bay qua… Tất cả quang cảnh trên từng kích thích trí tưởng tượng của nhà thơ.
Trước cửa sổ còn có một cây đa cổ thụ. Tagore đã nói với cây đa bằng những câu thơ đầu tiên:
Hỡi cây đa già trăm năm
Như nhà tu khổ hạnh đứng bất động
Buông những cánh tay dài rễ cành xuống đất
Đang đọc kinh Vêđa sám hối với thánh thần
Có thấy tôi không? Một chú bé bị giam chân
Đang muốn vờn quanh dưới bóng mát của người,
Muốn đùa vui với những tia nắng mặt trời.
Lên tám tuổi, Tagore đã làm khá nhiều thơ. Năm 13 tuổi, tập “Bông hoa rừng” của ông ra đời. Từ đấy, tài năng nhà thơ được nhiều người ngưỡng mộ, trong đó có nhà văn lớn của Ấn Độ Bankim Chandra (1838-1894), người khởi xướng phong trào Hinđu, chống mọi thứ ngoại lai; phục hưng nền sân khấu dân tộc và là người viết tiểu thuyết đầu tiên bằng tiếng Bengali. Ông luôn chú ý nâng đỡ Tagore. Đi đâu, Bankim Chandra cũng cho nhà thơ đi theo, trong các buổi diễn thuyết, bình thơ, yến tiệc… Nhiều khi ông còn đọc thơ của Tagore cho mọi người nghe. Ai nấy đều xúc động và hết lời ca ngợi. Tagore rất sung sướng, đã khóc và cảm ơn mọi người.
Thành Nam ghi lại