Ẩn họa treo trên đầu dân
Từ đầu năm 2014, người dân thôn Đồng Bưa (xã Cẩm Đàn) đã có đơn gửi các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang phản ánh việc Công ty CP Tập đoàn khoáng sản Á Cường (Công ty Á Cường) khai thác, chế biến đồng làm ô nhiễm môi trường. Theo đó, Công ty Á Cường khai thác và chế biến quặng đồng không có bể, bãi chứa chất bã thải rắn, xả thẳng chất thải ra sông Lục Nam.
Theo ông Hoàng Văn Đồng-Trưởng thôn Đồng Bưa thì nước thải của Công ty Á Cường đã ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt, nguồn nước canh tác của người dân thôn Đồng Bưa. Gần đây một số hộ đã phải đào giếng mới vì giếng cũ nước chuyển sang đục ngầu và bốc mùi hôi nồng nặc. Thêm nữa, mỗi khi Công ty nổ mìn ở khu vực khai thác quặng đồng (gần khu 10, thôn Đồng Bưa) thì nhà cửa của dân rung lên bần bật… đất, đá thải từ khu khai thác mỏ chất cao như núi sẽ ập xuống nhà cửa ruộng vườn của người dân bất cứ lúc nào (ảnh).
Ông Bùi Văn Tình-Phó thôn Đồng Bưa cho biết: Cách đây vài năm, sau cơn mưa nhỏ, bùn từ đây đã tràn ra ruộng lúa phía dưới. Hôm 11-5-2015, khu đồi keo, bạch đàn của nhà ông (giáp ranh với mỏ khai thác quặng đồng) đã xuất hiện 1 vết nứt rộng khoảng hơn 1m, dài khoảng 80m và sâu thì… không đo được.
“Mùa nắng đã nứt thế này, nếu mưa to, đất “lỏng chân” thì rất dễ xảy ra lũ bùn, lũ ống”-ông Tình lo lắng.
Theo quan sát của chúng tôi, khối đất thải (sau khai thác ở mỏ đồng thôn Đồng Bưa) đã cao ngang với đỉnh núi, ước đến cả trăm nghìn mét khối. Dưới chân mỏ là hàng chục hộ dân đang sinh sống, hiện đã có những viên đá to như… con voi còi lăn lóc cạnh vườn vải của dân. Nếu mưa to, đất ướt thì một tai họa “Khên Lền” thứ 2 là điều khó tránh khỏi! Phía hạ nguồn sông Cẩm Đàn (đoạn đặt nhà máy chế biến quặng) nước đục hơn sữa kéo dài cả km, chỗ cửa xả thải nhà máy chất bùn màu trắng sền sệt chiếm đến 2/3 lòng sông. Với môi trường như vậy, khó có sinh vật nào tồn tại nổi.…
Được “bảo kê” nên… nhờn đòn?
Theo tìm hiểu của PV, Công ty Á Cường đã hoạt động khai thác chế biến khoáng sản tại huyện Sơn Động từ năm 2003, đến nay đã nhiều lần tạm dừng rồi hoạt động trở lại. Nguyên liệu phục vụ sản xuất là mỏ đồng ở các thôn Đồng Bưa, Khuôn Mười (xã Cẩm Đàn).
Do hoạt động gây ô nhiễm, ngày 23-5-2014, sau thanh kiểm tra, Sở TNMT Bắc Giang có thông báo số 35 khẳng định trong quá trình khai thác chế biến đồng, Công ty Á Cường đã có nhiều vi phạm như: Chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được phê duyệt theo quy định đối với xưởng tuyển đồng ở thôn Đồng Bưa. Nhà máy tuyển và luyện đồng tại thôn Gốc Gạo dù đã bổ sung hoạt động khu vực hóa nghiệm phân tích, nhưng không có trong nội dung ĐTM đã được duyệt. UBND tỉnh Bắc Giang cho phép khai thác các mỏ đồng theo phương thức lộ thiên, nhưng Công ty lại khai thác hầm lò là không đúng với báo cáo ĐTM đã được duyệt. Chưa có giấy xác nhận việc đã thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường giai đoạn vận hành của dự án khai thác mỏ đồng tại khu vực Đồng Tàn (xã An Bá) theo quy định. Chưa xây dựng hệ thống thu gom nước thải xưởng tuyển. Chưa chuyển giao chất thải nguy hại cho đơn vị có Giấy phép quản lý chất thải nguy hại quá 12 tháng. Xả nước thải vượt quy chuẩn môi trường cho phép từ 5-10 lần và “nhiều cái chưa khác” không thể liệt kê hết…
Những sai phạm đã tồn tại từ lâu, nhưng không hiểu có thế lực nào “bảo kê” mà Công ty Á Cường vẫn ung dung hoạt động cả chục năm trời? Đem thắc mắc này hỏi lãnh đạo huyện Sơn Động thì ông Nguyễn Văn Thịnh – Phó chủ tịch (và là người phát ngôn) của UBND huyện Sơn Động nói, do lĩnh vực môi trường không phải ông phụ trách nên không nắm rõ. Nắm vấn đề này là anh Ước-Phó chủ tịch phụ trách đất đai, môi trường…
Khi PV phản ánh sau kết luận thanh tra của Sở TNMT hiện tại trước cửa nhà máy dòng sông đục ngầu, lượng bùn thải đổ thẳng ra sông Lục Nam, ông Thịnh phân trần: “Tôi thì đầu tuần đến làm việc ở Ủy ban, cuối tuần mới về qua chỗ đó. Nhưng quả thực năm nay còn đỡ hơn, chứ năm ngoái lượng bùn thải còn nhiều gấp bội…”.
Còn ông Ngọc Minh Phụng-Trưởng phòng TNMT huyện Sơn Động lại cho hay: Công ty Á Cường là doanh nghiệp do tỉnh cấp phép hoạt động nên Phòng muốn kiểm tra cũng khó. Trước câu hỏi của PV về vai trò giám sát của cơ quan chuyên môn (sau khi có thông báo số 35 của Sở TNMT Bắc Giang) liên quan đến sai phạm của Công ty Á Cường, ông Phụng trả lời một cách rất lơ mơ: “… phía Công ty đã xây được 1 bể chứa 1.000m3 tại khu nhà máy chế biến vào nạo vét được ít bùn ở bãi thải...”.
Nói về trách nhiệm của địa phương trong việc giám sát ô nhiễm của Công ty Á Cường, ông Nguyễn Văn Tuyến-Phó giám đốc sở TNTM Bắc Giang chỉ buông mấy câu ngắn gọn: “Cán bộ trên đấy chán lắm… Với lại nhiều khi trên đó người dân tộc nên cũng khó. Những năm qua chúng tôi đau đầu với mấy chuyện trên í. Báo cáo cấp trên nhiều mà chẳng xoay chuyển"...
Theo thông báo số 35 của Sở TNMT đã chỉ ra nhiều sai phạm của Công ty Á Cường và yêu cầu doanh nghiệp này phải khắc phục các sai phạm trước tháng 10-2014. Nhưng đến tháng 4-2015, sai phạm vẫn chưa được Công ty Á Cường khắc phục triệt để. Hình như “cực chẳng đã” ngày 12-5-2015, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, ông Nguyễn Văn Linh mới ký quyết định số 804, xử phạt Công ty Á Cường 210 triệu đồng vì xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 5 đến 10 lần.
Sau khi có trong tay văn bản xử phạt 804 của UBND tỉnh Bắc Giang, chúng tôi mới phát hiện ra 1 điều rằng: Sau 10 năm hoạt động (từ 2003-2014) đến 17-11-2014, Công ty Á Cường mới xây dựng “Đề án bảo vệ môi trường chi tiết” và được UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt tại quyết định số 1853. Như vậy đồng nghĩa 10 năm qua doanh nghiệp này bất tuân pháp luật, còn chính quyền và cơ quan chức năng các cấp ở Bắc Giang thực sự thờ ơ khiến cho hàng nghìn hàng vạn tấn chất thải và nước thải nguy hại không được kiểm soát được đổ trót lọt ra dòng sông Lục Nam thơ mộng và hiền hòa!
Bài và ảnh: Doanh Chính-Lê Thanh