Bà Bảy Nhị tâm sự: “Tui đưa đò cho xấp nhỏ tới trường miễn phí đã hơn 5 năm rồi. Dù mưa gió cỡ nào tui cũng không vắng, sợ tụi nhỏ trễ nải bài vở. Riết rồi quen. Tới mùa hè, hay thứ bảy, chủ nhật, tụi nó nghỉ học, tui buồn lắm”.
Ấp Long Trường 2, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang nơi bà Nhị sinh sống còn rất khó khăn, hộ nghèo lên đến gần 140/400 hộ dân. Người dân chủ yếu làm thuê, trồng mía, trồng lúa với diện tích rất hạn chế. Cái ăn, cái mặc đã khó thì việc cho con em tới trường lại càng khó hơn. Đã vậy địa hình ấp bị sông rạch đan xen chia cắt, mọi sinh hoạt đi lại, học hành chủ yếu bằng đường thủy nên việc hàng chục học sinh không có phương tiện đi từ nhà đến trường, khoảng 2 đến 3km, lại càng khó khăn hơn.
Cô giáo Phạm Ngọc Ửng - Hiệu trưởng Trường tiểu học Long Thạnh 3 cho biết: “Nhờ có chị Bảy Nhị đưa rước thường xuyên nên học sinh của trường ngụ ấp Long Trường 2 đến lớp đông đủ, đúng giờ, lại rất an toàn, chúng tôi rất trân trọng tấm lòng của chị”.
Không chỉ làm nhiệm vụ “tài công”, bà Nhị còn thường xuyên dạy dỗ các em phải biết hiếu thảo, lễ phép với ông bà, cha mẹ, xa lánh điều xấu, làm nhiều việc tốt, biết giúp đỡ, yêu thương mọi người. Khi phát hiện cháu nào bỏ học, bà lại cùng thầy cô giáo tìm đến tận nhà động viên, giúp đỡ để các em trở lại trường lớp.
Em Nguyễn Thị Nhung, học sinh Trường tiểu học Long Thạnh 3 kể: “Bà Bảy rất hiền, dạy dỗ chúng con nhiều điều hay, lẽ phải, kể nhiều câu chuyện rất hay về lòng hiếu thảo, lòng trung thực, vị tha, biết yêu thương con người với nhau”.
Lý giải về cơ duyên để trở thành người đưa đò cần mẫn hơn 5 năm qua, bà Bảy Nhị cho biết, gia đình có 3 người con đi làm ăn ở Sài Gòn, vợ chồng bà đảm đương việc chăm sóc cháu, kể cả việc đưa nó đến trường. Mỗi ngày khi đưa các cháu đi học, bà thấy nhiều học sinh khác phải lội bộ hàng cây số, băng qua những chiếc cầu khỉ nguy hiểm, những con đường sình trơn trợt; vậy là ý tưởng “sắm” chiếc “vỏ lãi” để đưa rước học sinh miễn phí đã hình thành trong suy nghĩ của bà.
Đem chuyện bàn bạc và được chồng đồng ý, bà đi vay 10 triệu đồng để mua phương tiện đưa rước học sinh. Mỗi ngày công việc nhân ái của bà bắt đầu từ 5 giờ 30 phút để hơn 6 giờ các cháu đến được trường. Khoảng 10 giờ 30, bà lại đón các “khách nhí” của mình trở về địa phương.
Toàn bộ công việc gia đình đã có chồng làm thay, để bà an tâm với công việc nhân ái này.
Bà Phan Thị Tốt - hàng xóm của bà Bảy Nhị xúc động nói: “Vợ chồng chị Bảy Nhị hoàn cảnh kinh tế còn rất khó khăn, nhưng tấm lòng chị thì thật thơm thảo, chúng tôi ngưỡng mộ, tri ân. Xóm này mà không có chị thì nguy cơ bỏ học của lũ nhỏ cao lắm”.
Bà còn kể thêm: Do không có chòi che vỏ lãi nên mỗi khi mưa xuống, nhất là vào ban đêm thì chị Bảy phải dậy từ 4 giờ sáng để tát nước trong lãi, mới kịp đưa học sinh tới trường đúng giờ.
Bà Đoàn Thị Nhị bày tỏ: “Tui dốt do ngày nhỏ không được học, nay thấy xấp nhỏ khó khăn tới trường thì mình sắm phương tiện đưa rước chúng nó, không lấy đồng cắc nào của chúng nó. Cực mà vui”.
Biết được nghĩa cử cao đẹp của bà Bảy Nhị, một mạnh thường quân ở Đồng Nai đã tài trợ cho bà một chiếc vỏ lãi mới to hơn và hỗ trợ thường xuyên nhiên liệu để bà đưa rước học sinh quanh năm. Bà cũng được UBND huyện Phụng Hiệp tặng 4 giấy khen vì những việc làm cao đẹp đó.
Mỗi ngày, người phụ nữ giản dị đầy tấm lòng nhân văn ấy đã và đang lặng thầm đưa rước 18 học sinh vùng sâu tới lớp với nụ cười viên mãn trong sự biết ơn của lũ học trò miền sông nước còn lắm khó khăn.
PHAN THỊ ANH THƯ