Argentina không phải là đội chơi thuyết phục hơn Mexico ở đầu trận. Tuy vậy, sai lầm của tổ trọng tài và hàng thủ đối phương đã tạo khoảng cách an toàn từ khá sớm cho thầy trò HLV Diego Maradona. Mexico lẽ ra đã thi đấu khởi sắc hơn nếu cơ hội trong khoảng thời gian đầu được biến thành bàn thắng.

Nhập cuộc bằng phong cách sở trường, chặt chẽ mà linh hoạt, đội bóng ba màu (biệt danh của Mexico) đã nắm thế chủ động ngay sau tiếng còi khai cuộc. HLV Javier Aguirre có vẻ không thích úp mở về ý đồ chiến thuật: phòng ngự phản công nhanh, phong tỏa Lionel Messi và chủ động đánh chặn từ xa. Với cách chơi như trên, Mexico đã gây được nhiều khó khăn cho Argentina trong trận đấu này. Và thực sự là việc vượt qua hàng thủ Mexico trở thành một thách thức không nhỏ đối với Messi và đồng đội. Tuy vậy, với đẳng cấp của một trong những ứng cử viên vô địch cộng thêm một chút may mắn, đội tuyển Argentina cuối cùng đã có được chiến thắng cách biệt 3-1 để tiếp tục đi sâu vào vòng trọng.

Ở vòng tứ kết, đối thủ của Argentina là Đức. Bốn năm trước, hai đội cũng gặp nhau ở vòng này (Đức giành chiến thắng trong loạt đá luân lưu, sau khi 120 phút kết thúc với tỷ số hòa). Cuộc đối đầu năm nay hứa hẹn sẽ hấp dẫn không kém, sau khi hai đội đều vượt qua vòng loại trực tiếp đầu tiên với kết quả chênh lệch.

Ở trận đấu trước đó ít gìờ, với lối chơi đơn giản, chính xác, hiệu quả cộng thêm một sai sót của trọng tài đã góp phần giúp "Cỗ xe tăng" làm nên trận thắng lớn 4-1 trước đội bóng của HLV Capello ở vòng 16 đội World Cup tối chủ nhật.

"Ứng cử viên vô địch", "Tiếp bước thế hệ năm 1966 đem vinh quang về cho tổ quốc"... chỉ là hai trong vô vàn những ca tụng mà truyền thông Anh dành cho đội nhà trước thềm World Cup 2010. Sự hiện diện của chiến lược gia lẫy lừng người Italy Capello, những chiến thắng dễ dàng ở vòng loại, cùng dàn trụ cột vào độ chín muồi như Terry, Lampard, Gerrrad hay Rooney là cơ sở để các thành viên tuyển Anh cũng như người hâm mộ lạc quan vào một kỳ World Cup thành công rực rỡ. Dù từ chối đề cập tới ngôi cao nhất, để tránh sức ép cho các học trò, chính Capello cũng đặt mục tiêu cho tuyển Anh là "tối thiểu phải vào tới bán kết".

Ngay cả khi Anh khởi đầu chệch choạc, phải trầy trật mới vượt qua vòng bảng và rơi vào cặp đấu loại trực tiếp với Đức, niềm tin ấy vẫn không hề sứt mẻ. Nhưng từ trên cao vút của những lời tâng bốc, tuyển Anh bỗng rơi phịch xuống mặt đất và đối mặt với thực tại phũ phàng sau 90 phút tranh tài. Đó là thảm bại 1-4, sự thua kém toàn diện về mặt con người, lối chơi và nỗi đau khi phải chứng kiến giấc mơ vô địch vỡ tan ngay vòng 2.

Nhưng sai sót của những vị trọng tài luôn là một phần của cuộc chơi. Ở chung kết World Cup 1966, khi gặp Đức trên sân nhà Wembley, tuyển Anh cũng phải nhờ đến một pha làm bàn gây tranh cãi của Geoff Hurst (bóng dường như chưa qua vạch vôi) để giành phần thắng 4-2 và lên ngôi vô địch. Tương tự cảm giác của người Đức sau bàn thua đau đớn năm 1966 ấy, có lẽ phải còn rất lâu nữa, hoặc không bao giờ, các tuyển thủ Anh và những CĐV của họ hiện tại mới thôi hậm hực khi nhắc tới bàn thắng bị từ chối của Lampard tối chủ nhật.

Tuy nhiên trước khi đổ lỗi cho trọng tài, tuyển Anh nên tự trách bản thân đã chơi tệ. Suốt 90 phút tranh tài, thầy trò Capello chẳng có nhiều dấu hiệu cho thấy họ xứng đáng chiến thắng, hoặc tối thiểu đón nhận một thất bại đỡ nặng nề hơn. Hàng công tiếp tục gây thất vọng khi chân sút chủ lực Rooney không ghi bàn trận thứ tư liên tiếp tại World Cup. Tuyến giữa với hai tiền vệ làm bóng hàng đầu thế giới cấp CLB Gerrard, Lampard vẫn chơi vô hồn. Còn hệ thống phòng ngự thì mắc quá nhiều sai sót. Nhìn tổng thể, đội quân của Capello thi đấu cứng nhắc, thụ động về chiến thuật.

Đức không có nhiều ngôi sao như Anh và thậm chí đã mất đi vài cầu thủ tốt nhất từ trước khi lên đường đi Nam Phi. Joachim Low của họ cũng chỉ là một cái tên rất khiêm tốn nếu đặt cạnh Capello tài danh của tuyển Anh. Nhưng trong cuộc chạm trán tối chủ nhật, chẳng ai nhận ra chênh lệch về lý thuyết ấy giữa hai đội. Bằng lối chơi đơn giản, khoa học và chính xác, Đức đã khai thác triệt để các hạn chế và kẽ hở trong lối chơi của tuyển Anh để làm nên thắng lợi. Không phủ nhận lợi thế tâm lý từ việc bàn thắng hợp lệ của Lampard bị từ chối, nhưng cách họ lần lượt buộc David James 4 lần vào lưới nhặt bóng tạo cảm giác chẳng cần tới "ân huệ" của các trọng tài, Đức vẫn đủ sức vượt qua Anh và đi tiếp vào tứ kết.

Quỳnh Anh (TH)