Chỉ còn vài tuần nữa, kỳ thi THPT Quốc gia sẽ chính thức diễn ra. Theo quy định cũ, toàn tỉnh Điện Biên thuộc khu vực 1 với mức điểm cộng ưu tiên là 1,5 điểm thì tại kỳ thi THPT Quốc gia năm nay số điểm cộng ưu tiên chỉ còn 0,75 điểm. Theo khảo sát của chúng tôi, đa phần ý kiến cho rằng, do bị giảm 50% điểm ưu tiên khu vực nên thí sinh phải gồng mình lên học để bù lại số điểm không được cộng, gây tâm lý mệt mỏi, căng thẳng, nhất là đối với một số thí sinh đăng ký vào các trường đại học có điểm số xét tuyển cao và học sinh dân tộc thiểu số vùng khó khăn không có nhiều điều kiện, thời gian ôn tập.
Em Bùi Nguyễn Hương Giang, học sinh lớp 12A2, Trường THPT T.P Điện Biên Phủ chia sẻ: Em rất lo cho kỳ thi sắp tới, bởi tâm lý những năm trước đây em thuộc khu vực 1 thì sẽ được cộng 1,5 điểm, nhưng theo quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm nay số điểm này giảm chỉ còn một nửa. Em dự định xét tuyển vào Trường đại học Kinh tế Quốc dân, một trong những trường có điểm xét tuyển cao. Do đó, việc giảm 50% điểm ưu tiên cũng đồng nghĩa giảm bớt cơ hội vào trường và càng tạo cho em thêm một áp lực lớn.
Cùng chung suy nghĩ, em Quàng Thị Thúy Ngọc - học sinh Trường THPT huyện Điện Biên cho rằng: Việc giảm điểm ưu tiên sẽ khiến khả năng cạnh tranh của học sinh vùng miền núi Tây Bắc thêm nhiều khó khăn, tạo thêm áp lực, gánh nặng cho học sinh dân tộc thiểu số. “Bản thân em vẫn mong muốn giữ nguyên điểm ưu tiên khu vực, điều này tạo cơ hội cho các em học sinh vùng khó khăn, dân tộc thiểu số tiếp cận với trường dễ dàng hơn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của đồng bào dân tộc nói chung. Mặt khác, khả năng cạnh tranh của các em để vào trường so với các bạn thí sinh dưới xuôi vẫn là thách thức lớn” - em Ngọc nói.
Cô Đoàn Thị Thu Anh - Giáo viên bộ môn tiếng Anh, Trường THPT T.P Điện Biên Phủ cho biết: Với sức học của học sinh vùng cao cộng thêm việc giảm điểm ưu tiên đã tạo tâm lý không tốt tới học sinh. Từ đó giáo viên cũng phải nỗ lực tổ chức ôn tập, nhất là đối với bộ môn tiếng Anh, môn nằm trong tổ hợp thi chính vốn không được coi là thế mạnh của học sinh vùng cao.
Việc giảm 50% điểm ưu tiên khu vực so với mức năm 2017 trở về trước của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm mục tiêu đảm bảo sự công bằng hơn giữa các thí sinh ở các vùng, miền khác nhau. Song những thay đổi này liệu đã thực sự hợp lý với các học sinh vùng cao khó khăn hay chưa vẫn phải chờ kết quả của kỳ thi sắp tới. Tuy nhiên, trước mắt đã tạo thêm rất nhiều áp lực đối với các học sinh dân tộc thiểu số, vùng khó khăn.
Vũ Lợi