Cũng vào những năm ấy, trước khi đi “nằm vùng” hoạt động, ông được đi học một khóa đào tạo tại Trường cơ giới 19-8 tại huyện Phủ Quỳ (nay là Nghĩa Đàn), tỉnh Nghệ An. Trong thời gian này, anh bộ đội Cường đã làm quen được cô công nhân Nguyễn Hương Vy (quê Hà Tĩnh). Mới 17 tuổi, nhưng Vy đã làm công nhân tại Xưởng chế biến cà phê của Nông trường Cờ Đỏ. Cô gái có mái tóc đen nhánh, làn da trắng hồng, đôi mắt như biết cười và cái miệng rất duyên. Lân la mãi anh cũng đã khiến cho cô gái ấy nhận ra tình cảm chân thành của mình. Khi đó anh đã 32 tuổi, hơn Hương Vy 12 tuổi, nên anh chỉ sợ cô chê mình già. Nhưng thật sung sướng khi anh biết cô gái rất quý mến bộ đội miền Nam. Thấy hai người rất gắn bó, thương yêu nhau, nên cơ quan của cô gái đứng ra vận động họ cưới để sớm nên vợ nên chồng. Do người trong Ban giám đốc nông trường cũng là người miền Nam, nên họ rất hiểu và ủng hộ anh. Đám cưới của hai người được tổ chức đơn giản và tiết kiệm.

Cưới vợ tháng 3-1964 thì đến tháng 12-1964, anh được lệnh hành quân vào Nam chiến đấu. Khi chia tay chồng đi B, lạ thay, chị không khóc, vì chị nghĩ nếu vợ con rơi lệ tiễn chồng thì chắc chắn tâm trạng của người đi xa sẽ bất ổn, làm sao có thể hoàn thành nhiệm vụ của người chiến sĩ tình báo được. Nhưng đêm về, nước mắt chị mới trào ra ướt đẫm gối vì thương nhớ chồng, bởi ngày ấy, đi B đồng nghĩa với chưa biết ngày trở lại. Song chị đã gạt nước mắt, bình tâm lại để công tác tốt, nuôi dạy con ngoan và vững tin chờ ngày chồng trở về.

Bà vẫn nhớ lúc “đặt vấn đề”, ông thật thà hỏi bà: “Yêu anh, lỡ mai mốt anh vào Nam chiến đấu thì sao? Đâu biết có ngày trở lại!”. Bà trả lời: “Người ta biết là hi sinh mà vẫn sẵn sàng đi chiến đấu thì không có lý do gì mà những như em không lấy họ làm chồng!”.

Cưới nhau xong, hằng ngày anh mong ngóng "tin vui", vì anh nghĩ mình đã "đứng tuổi" rồi, cần phải có con nối dõi trước khi đi chiến đấu. Đêm trước ngày chia tay lên đường vào Nam, anh cứ xoa bụng vợ và thì thầm nói chuyện với đứa con mới hình thành. Tháng 2-1965, vợ anh sinh con đầu lòng, cấp trên cho người về thăm hỏi gia đình để nắm tin thông báo cho anh biết. Anh viết thư cho vợ: “Lúc chia tay, vợ chồng mình cùng xác định anh ra đi không chắc có ngày trở lại, vì thế được tin em “mẹ tròn con vuông”, anh rất mừng. Anh thật sự hạnh phúc khi biết rằng em đã sinh cho anh một “chiến sĩ nhí”. Ở nơi xa không về chăm sóc hai mẹ con được, anh vô cùng áy náy…”. Nhận được thư chồng, chị đã hồi âm: “Thư anh gửi, mẹ con em đã nhận được. Em và con vẫn khỏe. Công việc “chung”, “riêng” vẫn hài hòa. Anh cứ yên tâm công tác tốt. Không lúc nào mẹ con em không nhớ đến anh…”. Ngày ấy thư từ đâu có thể gửi qua bưu điện được vì ông là cán bộ tình báo đang hoạt động bí mật. Chỉ khi nào có đợt chuyển công văn thì "đường dây giao thông" mới chuyển thư từ đi cùng. Theo ngày tháng đề trong thư, thì lá thư hồi âm cho anh đi từ Bắc vào Nam mất gần 6 tháng…

Năm 1969, ông về nhận công tác tại Văn phòng của Bộ Công an. Mười một năm sau, cấp trên điều ông vào công tác tại TP Hồ Chí Minh. Và, vợ ông sau khi vào làm y tá tại Bệnh viện 198, cũng đã được chuyển công tác vào làm việc tại Bệnh viện 30-4. Bây giờ, Ông bà đã có hai người con trưởng thành: Con cả Sỹ Tùng, 47 tuổi và cậu út Hồ Sỹ Tuấn (43 tuổi), cùng 3 cháu nội!…

BĂNG PHƯƠNG