Một khu nhà ở cho người thu nhập thấp (ảnh minh họa).
Không chỉ ở các đô thị lớn như Hà Nội, T.P Hồ Chí Minh có giá bất động sản tăng cao, mà ngay ở các tỉnh bây giờ giá cũng tăng chóng mặt khiến cho người thu nhập thấp khó khăn trong việc tiếp cận mua được nhà ở…
Theo thống kê của Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho thấy, từ năm 2014 đến nay, giá bất động sản liên tục giữ đà tăng, với mức bình quân hằng năm trên 10%/năm, thậm chí ở một số địa phương tăng trên 20%/năm.
Phong trào người người đua nhau mua bất động sản để đầu cơ, tích trữ và coi như một tài sản có giá trị cao đã khiến cho giá nhà, đất tăng và khiến cho một nguồn lực xã hội lớn “chôn” vào bất động sản. Không chỉ có nhà đầu tư riêng lẻ, mà ngay các doanh nghiệp cũng đổ tiền đầu tư vào đất.
Theo các chuyên gia về bất động sản tại Việt Nam, một người đi làm công có thu nhập tăng theo thâm niên, không chi tiêu bất cứ thứ gì, cũng phải mất khoảng 20 năm mới có thể mua được một căn hộ bình dân khoảng 60m2 ở đô thị. Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người ở nước ta vẫn đang ở mức thấp, thuộc nước nghèo của thế giới nhưng giá bất bất động sản lại thuộc hàng cao.
Chị Nguyễn Minh Tuyết quê ở Nghệ An, vào làm việc tại công ty may mặc ở khu Công nghiệp Tân Bình, T.P Hồ Chí Minh cho biết: Hai vợ chồng chị vào T.P Hồ Chí Minh đã 10 năm nay, nhưng vẫn phải đi thuê nhà trọ để ở. Bởi thu nhập của hai vợ chồng làm công nhân mỗi tháng được gần 20 triệu đồng, tiền thuê nhà mất 5 triệu đồng/tháng, một đứa con nhỏ đi trẻ cũng mất 4 triệu đồng/tháng, tiền ăn uống, điện nước nữa thì mỗi tháng gia đình chị Tuyết cũng chỉ tiết kiệm được khoảng 3 triệu đồng.
Chị Tuyết chia sẻ thêm, năm ngoái vợ chồng chị tính vay mượn hai bên nội ngoại, bạn bè cộng với tiền tích cóp lâu nay được khoảng 800 triệu đồng, tính mua một căn hộ khoảng 60m2 ở quận Bình Tân, giáp với huyện Củ Chi. Nhưng khi đi đến dự án hỏi mua thì giá căn hộ nào rẻ nhất cũng có giá 1,3 tỷ đồng, vì thiếu tiền nhiều quá nên vợ chồng chị Tuyết phải dừng không mua nhà nữa.
Tại tỉnh Bình Dương là tỉnh được coi (thủ phủ) các khu công nghiệp nhiều nhất trong cả nước, có hàng triệu công nhân lao động, giá nhà đất ở Bình Dương cũng không rẻ so với T.P Hồ Chí Minh là mấy.
Chị Nguyễn Thị Minh quê ở Nam Định, vào tỉnh Bình Dương làm công nhân cho một công ty gỗ công nghiệp Dĩ An 12 năm nay, thu nhập 12 triệu đồng/tháng. Chồng chị Minh lái xe taxi, mỗi tháng cũng chỉ kiếm được từ 8-10 triệu đồng. Chị Minh cho biết: Cách đây 5 năm, nếu mua một lô đất khoảng 50m2 tại khu chị ở giá chỉ khoảng 500 triệu đồng, nhưng bây giờ cũng lô đất ấy, giá lên đến 1,5 tỷ đồng.
Chị Minh chia sẻ: Thời điểm lô đất giá 500 triệu đồng, vợ chồng chị tính về quê vay mượn tiền của hai bên nội ngoại để mua, nhưng sau đó lại nghĩ để làm thêm ít năm nữa tích lũy thêm để mua cho đỡ phải nợ tiền nhiều. Thế nhưng, bây giờ giá lô đất tăng gấp 3 lần như vậy thì không biết đến bao giờ mới có đủ tiền để mua…
Anh Thành quê ở huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa vào tỉnh Đồng Nai đi làm công nhân xây dựng được 10 năm. Thu nhập trên dưới 10 triệu đồng/tháng. Năm ngoái, do dịch bệnh hai vợ chồng thất nghiệp và chuyển cả nhà về quê sinh sống. Vợ anh xin vào làm tại một công ty may ở Khu công nghiệp Lễ Môn, T.P Thanh Hóa, còn anh Thành vẫn tiếp tục làm nghề xây dựng. Gia đình đông anh em, hai vợ chồng anh Thành ở nhờ nhà ông bà nội nhưng nhà cũng chỉ có khoảng 70m2 nên chật hẹp và bất tiện đủ thứ. Vợ chồng anh tính mua một mảnh đất khoảng 80m2 ở trong xóm để ở nhưng tìm mãi không mua được. Trước đây khoảng 3 năm, mảnh đất 80m2 giá chỉ khoảng 300 triệu đồng, bây giờ họ phát giá lên 800-900 triệu đồng. Có đất mà xây nhà cấp 4 cũng mất thêm 300 triệu đồng nữa, như vậy là phải có khoảng 1,2 tỷ đồng mới có nhà để ở. Anh thành cho biết: Hiện tại gia đình anh chị cũng chỉ có khoảng 600 triệu đồng tiền tiết kiệm, nếu mua đất làm nhà thì phải vay mượn thêm quá nhiều tiền.
Theo báo cáo của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng, một trong những nguyên nhân khiến cho mặt bằng giá tăng trong đó có việc các địa phương ban hành bảng giá đất mới tăng hơn so với trước đây. Cụ thể, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 96/2019 về khung giá đất, các địa phương đã ban hành bảng giá áp dụng cho giai đoạn 2020-2024. Theo đó, giá đất được các địa phương ban hành có mức tăng bình quân khoảng 15-20% so với bảng giá đất giai đoạn 5 năm trước.
Việc giá nhà, đất tăng mạnh những năm gần đây đã khiến cho người thu nhập thấp ngày càng khó khăn để có được một nơi ở ổn định. Đặc biệt với những người làm công ăn lương lại càng xa hơn.
Hoàng Thanh