Không mừng sao được khi mà số liệu thống kê mới đây của Bộ VHTT&DL cho thấy, mỗi người Việt Nam chỉ đọc 0,8 cuốn sách/năm tại thư viện. Kể như thế cũng đáng báo động lắm rồi, nhưng con số bình quân này chắc sẽ còn thấp hơn, thậm chí là 0 cuốn/năm ở những nơi thư viện chưa có, hoặc có nhưng hoạt động không hiệu quả. Những người không được học hành đến nơi đến chốn thì đã đành, nhưng lại ngay cả nhiều bạn trẻ đang theo học chương trình đại học hẳn hoi vẫn còn mơ mơ, màng màng về vai trò của việc đọc sách. Có những thanh niên thời đại máy tính điện tử tự tin nói: “Đọc sách để làm gì? Cần gì cứ hỏi "anh Gu-gồ” là có hết!”. Mới nghe thì cũng có lý, nhất bây giờ người ta số hóa rất nhiều cuốn sách in thuộc mọi thể loại, lĩnh vực lên các trang mạng internet, làm cho quan niệm về “sách” được mở rộng hơn, ngoài “sách giấy” còn có thêm “sách điện tử” nữa. Vấn đề ở chỗ số bạn trẻ truy cập mạng để khai thác tài nguyên tri thức trên mạng còn quá thấp, mà đa số chỉ để chơi game, xem mấy trang mạng xã hội như facebook, blog hay tìm những thông tin mang tính giải trí hoặc những scandal của giới nghệ sĩ, rồi phim, ảnh mát mẻ… Chuyện thì có thế thật, nhưng cũng không thể hoàn toàn trách họ được khi mà mỗi năm có khoảng 25.000 đầu sách được xuất bản. Quả đúng là biển sách! Các bạn trẻ biết đọc gì bây giờ? Ngẫm ra, ngày xưa cũng có cái hay của nó. Sách hiếm, mà phải là tác phẩm tiêu biểu mới được in nên thành thử người đọc phải đi tìm sách, kể cả những cuốn sách in bằng giấy bổi, chữ xếp chì rất khó đọc cũng được độc giả nâng niu, giữ gìn. Thế mà giờ sách in rõ là nét, giấy thì rõ là trắng, bìa sách bắt mắt. Vậy mà… Thôi thì trăm sự trông chờ vào văn hóa đọc lành mạnh của các quan chức và cơ quan quản lý nhà nước để tạo môi trường thuận lợi cho mọi người dân tiếp cận tài liệu đọc có chất lượng cao.
Thiết nghĩ, mỗi người cũng nên xây dựng cho mình văn hóa đọc, bao gồm cả ba yếu tố: thói quen đọc, kỹ năng đọc và sở thích đọc. Kỹ năng đọc là sự thể hiện tổ hợp những thao tác tư duy được xác lập thành thói quen đọc. Còn sở thích đọc phụ thuộc vào trình độ giáo dục và tư chất của từng cá nhân (có người thích thơ, người thì thích tiểu thuyết, người lại ham mê sách khoa học kỹ thuật…). Sở thích tạo ra sự đa dạng, phong phú, giàu màu sắc cho nền văn hóa đọc của xã hội. Văn hóa đọc của mỗi cá nhân đồng nghĩa với kỹ năng đọc, nhưng chương trình giáo dục kỹ năng đọc trong các trường học hiện nay lại chưa kết hợp được nhuần nhuyễn những yếu tố đó.
Thói quen đọc sách đem lại rất nhiều lợi ích tinh thần, sức khỏe và dinh dưỡng tâm hồn cho con người. Đọc sách chính là một cách tự hoàn thiện mình tốt nhất và giúp kết nối thế giới nội tâm với thế giới của cuộc sống thực. Hãy để sách luôn luôn là một người bạn đáng tin cậy trong cuộc sống của mỗi người.
HỒ THANH HƯƠNG