Trong số hơn 8 tỷ USD, 1,4 tỷ USD là vốn viện trợ không hoàn lại và 6,6 tỷ USD vốn vay. Trong những năm gần đây, nguồn vốn ODA cam kết luôn trong xu hướng tăng. Nếu như năm 2005, các nhà tài trợ cam kết 3,7 tỷ USD thì năm 2006 đã tăng lên hơn 4,4 tỷ USD; năm 2007 lên 5,426 tỷ USD. Gần đây nhất, tại Hội nghị CG tháng 12/2008, các nhà tài trợ ngoại trừ Nhật Bản cam kết 5,015 tỷ USD. Sau khi Nhật Bản nối lại viện trợ cho Việt Nam, con số này tăng lên gần 5,9 tỷ USD.

Ngân hàng Thế giới là nhà tài trợ lớn nhất với cam kết gần 2,5 tỷ USD. Tiếp đó là Nhật Bản với 1,64 tỷ USD. Trong quá trình Việt Nam thoát khỏi mức thu nhập thấp, trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình, các khoản vay ưu đãi sẽ giảm dần và thay vào đó là khoản vay kém ưu đãi hơn. Do đó, con số 8 tỷ USD vừa là cơ hội, nhưng cũng là thách thức cho Việt Nam, nhất là trong thời điểm dư nợ Chính phủ ước đạt tới 40% tính đến ngày 31/12/2009.

Tuy nhiên, tất cả các nhà tài trợ lớn như WB, ADB khẳng định họ không có bất cứ quan ngại nào về các vấn đề liên quan đến trả nợ của Việt Nam. "ODA năm nay có nhiều khoản vay kém ưu đãi hơn trước, nhưng vẫn có thể chấp nhận được nếu đầu tư một cách có hiệu quả", Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nhận định.

Các nhà tài trợ khẳng định họ hài lòng với tốc độ giải ngân năm 2009. Ước tính mức giải ngân vốn ODA năm nay đạt khoảng 3 tỷ USD (vượt kế hoạch 1,1 tỷ USD) trong tổng số vốn ký kết gần 5,9 tỷ USD.

Hoàng Linh (TH)