Có nhiều cách, nhiều con đường phát triển khác nhau, song điều quan tọng là phải tìm ra một con đường phát triển hợp lý và hài hòa sao cho các vấn đề về dân số, kinh tế, văn hóa, xã hội, tài nguyên, môi trường… phải được xem xét một cách tổng thể để cùng phát triển, để không cản trở đến sự phát triển của nhau ở hiện tại cũng như trong tương lai, con đường đó chính là sự phát triển bền vững.

Phát triển bền vững là sự phát triển nhằm đáp ứng những nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai.

Phát triển bền vững có nghĩa là cả ba khía cạnh chủ yếu liên quan đến đời sống của nhân loại là kinh tế, xã hội và môi trường phải được tổng hòa, kết hợp, lồng ghép khi có thể và được cân đối một cách có hiệu quả qua các chính sách, cơ chế, công cụ và qua quá trình thực hiện chính sách.

Loài người phát triển chưa bền vững: đói nghèo, bệnh tật và thất học còn phổ biến.

  • Hiện nay vẫn còn 2,8 tỷ người (43%) là người nghèo và 1,2 tỷ người (18%) rất nghèo.

  • Hơn 1 tỷ người không có nước sạch để dùng hàng ngày. Trong 25 năm tới hai phần ba nhân loại sẽ thiếu nước sinh hoạt.

  • Một phần tư số đàn ông và một phần ba phụ nữ trên thế giới không biết chữ, trên 100 triệu trẻ em không được đến trường.

  • Trên toàn thế giới cứ 10 giây có một người chết vì HIV/AIDS, hiện có 57 triệu người có HIV/AIDS.

  • Trái đất của chúng ta hiện có khoảng 6,5 tỷ người, trong một trăm năm gần đây cứ 40 năm dân số lại tăng lên gấp đôi, tỷ lệ mất cân bằng giớ tính ngày càng tăng.

  • Môi trường suy thoái nghiêm trọng:
  • 1,9 tỷ ha (30% tổng diện tích đất trồng trọt trên trái đất) bị suy giảm chất lượng trong vòng 50 năm gần đây; đất nông nghiệp bị thu hẹp, cùng với sự tàn phá của thiên tai làm cho tình trạng thiếu lương thực ngày càng tăng.

  • Mỗi năm trái đất mất đi 5% diện tích rừng nhiệt đới.

  • Một phần ba số loài sinh vật bị dồn đuổi, co cụm lại trong các vùng rộng chỉ bằng 1,4% diện tích lục địa và chúng đang có nguy cơ bị tuyệt chủng.

  • Hai phần ba số bãi cá trên biển đang bị khai thác vượt quá mức giới hạn tái sinh.

  • Nếu tiếp tục tiêu dùng nhiên liệu như hiện nay thì đến năm 2110 nhiệt độ khí quyển trái đất sẽ tăng thêm từ 3 đến 7 độ C.

Việt Nam đã tăng cường bảo vệ môi trường và tham gia nhiều cam kết quốc tế nhằm bảo vệ môi trường và phát triển xã hội. Năm 1992, Việt Nam đã tham dự hội nghị thượng đỉnh trái đất về môi trường và phát triển, chương trình nghị sự 21 toàn cầu cam kết xây dựng chiến lược phát triển bền vững quốc gia và chương trình nghị sự 21 địa phương. Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra chỉ thị về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hiện đại hóa. Nhà nước đã ban hành Luật bảo vệ môi trường, Luật tài nguyên nước... Đã thành lập Hội đồng phát triển bền vững quốc gia, Văn phòng phát triển bền vững.

Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2001-2010 đã khẳng định quan điểm phát triển của Việt Nam là “phát triển nhanh, có hiệu quả và bền vững, tăng cường kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường”.

Xác định 8 nguyên tắc phát triển bền vững của Việt Nam:

  • Con người là trung tâm của phát triển bền vững.

  • Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa với phát triển xã hội, với khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên thiên nhiên theo nguyên tắc “mọi mặt: kinh tế, xã hội và môi trường đều cùng có lợi”.

  • Bảo vệ và cải thiện môi trường phải được coi là một yếu tố không thể tách rời của quá trình phát triển, phải áp dụng đồng bộ các công cụ pháp lý và kinh tế, kết hợp với tuyên truyền vận động.

  • Phát triển phải đảm bảo đáp ứng một cách công bằng nhu cầu của thế hệ hiện tại và không gây trở ngại tới cuộc sống của các thế hệ tương lai.

  • Khoa học và công nghệ là nền tảng và động lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh, mạnh và bền vững đất nước.

  • Phát triển bền vững là sự nghiệp của toàn Đảng, các cấp chính quyền, các bộ, ngành và địa phương, của cơ quan, doanh nghiệp, đoàn thể xã hội, các cộng đồng dân cư và mọi người dân.

  • Gắn chặt việc xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ với chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.

  • Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường với đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Phạm Hữu Bồng