Tượng đài chiến thắng Đăk Tô.

Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh là một trong những chiến công hào hùng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên mảnh đất Kon Tum.

Là địa danh đã đi vào lịch sử, Khu di tích chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh  gợi nhớ cho biết bao thế hệ về cuộc đấu tranh oai hùng của dân tộc ta trong những năm 1967-1972. Ngày nay, Khu di tích lịch sử Đăk Tô trở thành niềm tự hào của dân tộc tỉnh Kon Tum nói riêng và cả dân tộc Việt Nam nói chung. Năm 2017, Di tích lịch sử Đăk Tô được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt.

Với vị trí chiến lược đặc biệt, Đăk Tô thuộc xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum. Từ trên các điểm cao Ngok Bơ Biêng, Ngok Ring Rua, nơi đây bao quát được toàn bộ khu di tích giống như một lòng chảo với 4 bề là núi non hùng vĩ với phía tây và tây nam là dãy núi Ngok Bơ Biêng độ cao từ 800-1200m, kéo dài từ đông nam sang tây bắc và giáp với hạ Lào và đông bắc Campuchia - nơi ngã ba Đông Dương. Phía bắc là dãy núi Ngok Tu có độ cao 890m; phía đông là núi Ngok Long cao 903m và đường 14 đi về phía T.P Kon Tum... Hiện nay, diện tích Khu di tích Đăk Tô rộng 90ha bao gồm các hạng mục: Căn cứ E2, sân bay L19, sân bay Phượng Hoàng...

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Mỹ xâm lược, Tây Nguyên là một trong những địa bàn chiến lược chủ chốt, quan trọng. Các nhà quân sự từng đánh giá: “Ai chiếm được Tây Nguyên sẽ làm chủ Đông Dương” và Kon Tum chính là tỉnh ở phía bắc Tây Nguyên án ngữ ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia; nối liền với tuyến hành lang Bắc - Nam và tuyến hành lang đông - tây Trường Sơn. Do đó, đây là một trong những căn cứ quan trọng của địa thế quân sự, địa chính của khu vực Tây Nguyên.

Để giữ được chiến lược quan trọng ấy, đế quốc Mỹ cùng chính quyền Sài Gòn tập trung xây dựng ở vùng bắc Tây Nguyên thành một trong những hệ thống cứ điểm phòng ngự quân sự mạnh và trung tâm chính là cụm phòng ngự Đăk Tô - Tân Cảnh.

Lịch sử dân tộc ghi nhận hào hùng, đó là các năm 1957-1972, Mỹ - ngụy cho xây dựng tại địa phận Đăk Tô với hệ thống phòng ngự kiên cố nhất gồm: Căn cứ E42 ở Tân Cảnh và căn cứ Đăk Tô 2. Đây cũng là đại bản doanh của Sư đoàn 22, Trung đoàn 42 bộ binh, Trung đoàn 14 thiết giáp, 5 tiểu đoàn pháo binh và biệt động quân biên phòng...

Tại bờ tây sông Pô Kô, cách căn cứ Đăk Tô - Tân Cảnh 10km về phía tây nam chính là căn cứ hỏa lực như: Căn cứ Đal Ta, căn sứ Sạc Ly (điểm cao 1015)... Dọc theo biên giới Việt - Lào là những tiền đồn biên phòng gồm: Tiểu đoàn 88 (Chi khu quan ly Đăk Pek); Tiểu đoàn Biệt động quân 62 (cứ điểm Plei Kleng); Tiểu đoàn 95 (Bến Héc hay còn gọi là cứ điểm Plei Kần). Về phía đông nam có bộ chỉ huy là Lữ đoàn dù số 3, cứ điểm Măng Đen, Măng Bút, căn cứ Non Nước... Đây đã trở thành cụm cứ điểm liên hoàn khép kín của địch tại bắc Tây Nguyên với số lượng đông đảo, bố phòng dày đặc, vũ khí tối tân nhất thời điểm đó. Vì vậy nơi đây diễn ra nhiều trận đánh khốc liệt giữa ta và địch nhưng phải kể đến những chiến dịch lớn diễn ra dưới đây như:

Chiến dịch Đăk Tô I (1967): Lực lượng vũ trang Tây Nguyên đã tiêu diệt bộ phận sự đoàn bộ binh 4, sư đoàn kỵ binh không vận số 1, lữ đoàn dù 173 của Mỹ tại điểm cao 875; Chiến dịch Đăk Tô II (1969): Quân ta tiêu diệt được nhiều sinh lực địch góp phần đánh bại chiến tranh cục bộ và kế hoạch tìm diệt của Mỹ tại chiến trường Tây Nguyên; Chiến dịch Xuân - Hè 1972: Ta đã đập tan toàn bộ cứ điểm tại Đăk Tô - Tân Cảnh ngày 24-4-1972 và liên tiếp tiêu diệt toàn bộ hệ thống phòng thủ quân sự của địch ở phía Bắc Tây Nguyên, giải phóng được trên 4 vạn dân tại các huyện như: H67, H30, H80, H9, mở rộng vùng giải phóng và đã tạo thành cứ địa liên hoàn của 3 nước Đông Dương từ hạ Lào cho đến đông bắc Trường Sơn. Nhờ đó, ta rút ngắn được thời gian vận chuyển vật lực, vũ khí, hàng hóa, đạn dược vào chiến trường miền Nam và góp phần quan trọng trong việc giải phong miền Nam, thống nhất nước nhà.

Đúng nửa thế kỷ đã đi qua, nơi đây còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị và mang nhiều ý nghĩa lịch sử của nó vẫn luôn trường tồn mãi theo thời gian. Di tích lịch sử chiến thắng Đăk Tô đã trở thành địa chỉ về nguồn cho nhiều thế hệ người Việt Nam đặc biệt là người dân Kon Tum trong việc giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc. Và đây cũng trở thành điểm đến yêu thích của khách trong và ngoài nước, đặc biệt là các CCB muốn tìm hiểu về chiến trường xưa.

Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh là dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của quân và dân Tây Nguyên, khẳng định bước trưởng thành vượt bậc của lực lượng vũ trang trong tác chiến hiệp đồng binh chủng, góp phần tạo thế và lực mới cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Công Thi