Cụ thể:
Thứ nhất, với tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2010 khoảng 6,7%, khả năng tăng trưởng GDP bình quân cả giai đoạn 5 năm này sẽ chỉ đạt khoảng 7%, thấp hơn mục tiêu kế hoạch đặt ra là từ 7,5-8%. Về giá trị tuyệt đối, GDP theo giá so sánh đến năm 2010 dự kiến chỉ tăng gấp 2 lần năm 2000 (theo Tổng cục Thống kê là 273.666 tỷ đồng), không đạt kế hoạch đề ra là tăng gấp 2,1 lần.
Việc không đạt mục tiêu tăng trưởng GDP, theo cơ quan lập báo cáo, chủ yếu do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, làm cho nền kinh tế nước ta bị suy giảm.
Thứ hai, chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng không đạt được như kỳ vọng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp.
Theo báo cáo, tỷ trọng ngành công nghiệp và xây dựng trong GDP giai đoạn 2006-2010 vào khoảng 41,1%, thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch ở mức 43-44%; ngành dịch vụ đạt khoảng 38,6%, chưa đạt được mức 40-41% của mục tiêu kế hoạch. Trong khi đó, ngành nông nghiệp chiếm tới 20,3% tỷ trọng đóng góp vào GDP, cao hơn mức 15-16% đặt ra trước đó.
Thứ ba, tăng trưởng xuất khẩu cũng không đạt mục tiêu kế hoạch. Theo ước tính của cơ quan lập báo cáo, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa chỉ đạt khoảng 15,8%, thấp hơn 0,2% so với mức kế hoạch đặt ra, chủ yếu do bị suy giảm mạnh trong năm 2009 (giảm khoảng 9%).
Liên quan đến chỉ tiêu này, nhập siêu tăng đáng quan ngại từ mức dưới 5 tỷ USD vào năm 2006 đã vọt lên trên 12 tỷ USD năm 2007, khoảng 17,5 tỷ USD vào năm 2008 và giữ ở mức 12-13 tỷ USD/năm trong 2 năm cuối giai đoạn 5 năm này, chu kỳ khởi động gia nhập WTO của Việt Nam.
Thứ tư, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP đạt tỷ lệ 42,7%, cao hơn 2,7% so với mục tiêu đặt ra. Sự gia tăng đầu tư vượt quá tiết kiệm của nền kinh tế khiến thâm hụt ngân sách liên tục duy trì ở mức 5% và đỉnh điểm là 6,9% GDP vào năm 2009, buộc Việt Nam phải sử dụng nguồn vốn bên ngoài để bù đắp.
Hệ quả là nợ nước ngoài quốc gia tăng lên nhanh chóng, tính đến 31/12/2009 đã gấp gần 2 lần so với thời điểm cuối năm 2005, và đạt con số khoảng 28 tỷ USD, tương đương với 39% GDP.
Cuối cùng, tỷ lệ huy động GDP hàng năm vào ngân sách nhà nước chiếm tới 28%, cao hơn mức 21-22% đặt ra trong kế hoạch 5 năm, bất chấp các chính sách miễn, giảm thuế của Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong giai đoạn suy thoái kinh tế vừa qua.
Liên quan đến chỉ tiêu này, ngày 16/6, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 90/2010/TT-BTC /2010 hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2011 với mức động viên vào ngân sách chỉ còn trên 23% GDP.
Cao Thúy