Lý giải về việc này, báo cáo cho rằng trong suốt thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế đầy ấn tượng, kéo theo đó là nhu cầu năng lượng tăng hơn 2 lần và dự kiến có thể tiếp tục tăng gấp đôi trong 10 năm nữa nếu Việt Nam tiếp tục tăng trưởng kinh tế ngoạn mục như hiện nay.

Việt Nam là một trong 10 quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu, do một nửa dân số của Việt Nam sống dọc vùng duyên hải và tại Đồng bằng Sông Cửu Long.

Việt Nam đã phát động Chương trình quốc gia về năng lượng bền vững, tuy nhiên, để thực hiện được, Việt Nam cần có khung chính sách và thể chế.

Trong thập kỷ qua, Việt Nam đã giảm 2% cường độ sử dụng năng lượng mỗi năm, chỉ đứng sau Trung Quốc trong nỗ lực vì tương lai năng lượng bền vững của khu vực.

Công nghiệp là ngành có tiềm năng tiết kiệm năng lượng lớn nhất. Báo cáo cho rằng trong thập kỷ tới, Việt Nam cần ưu tiên tập trung đầu tư vào công nghệ sử dụng hiệu quả năng lượng tại các nhà máy công nghiệp mới. Chỉ riêng công suất của các nhà máy công nghiệp mới này sẽ tạo ra công suất lớn hơn công suất hiện tại của toàn ngành công nghiệp của Việt Nam hiện nay.

Các tiêu chuẩn và việc dán nhãn hiệu quả sử dụng năng lượng cũng có thể làm thay đổi thị trường đồ gia dụng. Quy hoạch đô thị và vận tải công cộng có tác động lớn nhất trong việc giảm thiểu nhu cầu về năng lượng cho ngành vận tải đô thị.

Việt Nam đã xây dựng một kế hoạch triệt để để phát triển thủy điện, tuy nhiên Việt Nam cũng cần đưa ra những chính sách để khuyến khích sản xuất điện bằng các nguồn năng lượng tái chế tốn ít kinh phí và sử dụng khí tự nhiên. Ngoài các nhà máy thủy điện công suất lớn chiếm 26% công suất điện hiện tại, Việt Nam dự kiến sản xuất 5% công suất điện từ các nguồn năng lượng tái sinh mới vào năm 2020.

Việt Nam có nguồn tài nguyên và lượng dự trữ khí lớn. Bằng các chính sách và quy chế định giá ưu đãi, sản xuất và tiêu thụ khí sẽ tăng đáng kể và đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng của đất nước trong hai thập kỷ tới.

Báo cáo khuyến nghị cần cải cách thể chế và chính sách để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong khu vực, kết hợp nhiều biện pháp cải cách trong hoạt động định giá năng lượng, phải ban hành các quy định về mục tiêu giảm cường độ sử dụng năng lượng của nền kinh tế và các công cụ khuyến khích tài chính để thúc đẩy hoạt động bảo tồn năng lượng...

Cùng với mở rộng quy mô sản xuất năng lượng tái sinh; khuyến khích các ý tưởng sáng tạo và công nghệ sạch mới; xây dựng quy hoạch đô thị thông minh, các nước phát triển cần chuyển giao công nghệ cácbon thấp và hỗ trợ nguồn vốn lớn, bởi các nước đang phát triển không thể tiến hành chuyển đổi mà không có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.

A Hoàng