Cụ thể, 13 tiêu chí đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em bao gồm: 1- Nguồn lực thực hiện quyền trẻ em; 2- Trẻ em được khai sinh đúng quy định; 3- Trẻ em bị xâm hại; 4- Trẻ em vi phạm pháp luật, nghiện ma túy; 5- Trẻ em bị tai nạn, thương tích; 6- Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp; 7- Trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các lại vắc xin thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng; 8- Trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thẻ nhẹ cân và thể thấp còi; 9- Trẻ em được khám sức khỏe định kỳ; 10- Trẻ em đến trường, lớp mần non; 11- Trẻ em được thực hiện quyền tham gia của trẻ em; 12- Hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, thể dục, thể thao dành cho trẻ em; 13- Mức độ hài lòng của trẻ em và người dân về việc thực hiện quyền trẻ em.
Theo Quy định, 125 điểm là điểm số tối đa dành cho xã, phường, thị trấn có trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp. Cụ thể, xã, phường, thị trấn có tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp từ 95% trở lên sẽ được tính 50 điểm; tỷ lệ các vụ việc trẻ em bị xâm hại tình dục, bỏ rơi, mua bán được Chủ tịch UBND cấp xã phê duyệt kế hoạch can thiệp, hỗ trợ kịp thời 100% sẽ được tính 75 điểm.
Xã, phường, thị trấn có tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các lại vắc xin thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng từ 98% trở lên sẽ được tính điểm tối đa 50 điểm cho tiêu chí này.
Xã, phường, thị trấn được công nhận đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em phải đạt đủ 13 tiêu chí nêu trên, không có tiêu chí nào bị 0 điểm và đạt số điểm theo quy định sau: 1- 900 điểm trở lên đối với phường thuộc quận, thị xã, thành phố của thành phố trực thuộc Trung ương; 2- 800 điểm trở lên đối với xã, thị trấn thuộc miền núi, hải đảo; xã đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; 3- 850 điểm trở lên đối với xã, phường thị trấn không thuộc trường 2 hợp quy định trên.
VPCP