Yếu điểm của NATO

         Một phần của quả tên lửa rơi ở Ba Lan.

Vụ một tên lửa rơi ở làng  Przewodów (Ba Lan), gần biên giới Ukraine khiến hai người thiệt mạng ngày 15-11, suýt đã trở thành ngòi lửa làm bùng lên chiến tranh giữa Nga và khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Sự cẩn trọng cần thiết của NATO đã tránh được nguy cơ này, nhưng sự việc cũng khiến NATO mất lòng tin vào lãnh đạo Ukraine, đồng thời bộc lộ hệ thống phòng không yếu kém của NATO, nhất là ở sườn phía Đông của khối này.

NATO mất niềm tin với Kiev bởi ngay khi có thông tin về vụ việc, Tổng thống Ukraine - Volodymyr Zelensky đã lập tức quy chụp đó là tên lửa của Nga. Trong khi đó, Mỹ, Ba Lan và các thành viên còn lại trong NATO thì thận trọng hơn cho dù các mảnh vỡ tên lửa cho thấy đó là loại S-300 có từ thời Liên Xô. Sau nỗ lực điều tra, Ba Lan đưa ra kết luận sơ bộ hôm 18-11 rằng vụ nổ tên lửa là "tai nạn đáng tiếc" không thể ngăn chặn và đường bay của tên lửa cho thấy nó xuất phát từ Ukraine. Cho đến lúc này, ông Zelensky mới thừa nhận Kiev có sử dụng tên lửa để đánh chặn tên lửa của Nga, nhưng vẫn khẳng định ông "tin chắc đó không phải là tên lửa" của Ukraine. Tiếp đó, khi được hỏi về tuyên bố của ông Zelensky, Tổng thống Mỹ - Joe Biden thẳng thừng bác bỏ - điều này cho thấy Mỹ không đồng ý với Ukraine trong vụ việc này.

         Việc ông Zelensky muốn đổ vấy cho Nga trong vụ tên lửa rơi xuống Ba Lan thực sự là một hành động nguy hiểm. Nếu đó là sự thực hoặc NATO tin đó là sự thực, các hành động phòng thủ chung của NATO sẽ được kích hoạt khi một nước thành viên như Ba Lan bị tấn công vũ trang. Thật hú vía... Tuy vậy, việc tên lửa rơi xuống Ba Lan mà không bị đánh chặn hoặc không nhanh chóng xác định được đường bay, nơi phóng tên lửa cho thấy một yếu điểm lớn trong hệ thống phòng không của NATO.

Từ rất lâu trước khi sự việc xảy ra, Ba Lan đã tăng cường lưới phòng không của mình. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng NATO sẽ còn mất rất nhiều thời gian để hoàn thiện lá chắn phòng không ở sườn đông, nhất là sau hàng chục năm khu vực này bị bỏ quên.

Tư duy này thay đổi đáng kể từ sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, cũng như kho tên lửa và máy bay không người lái (UAV) Iran thể hiện uy lực trên chiến trường Trung Đông. Nhiều nước NATO phải vội vã tìm cách tích lũy kho dự trữ đạn dược và giải quyết những vấn đề với lưới phòng không. Đức từng sở hữu 36 tổ hợp tên lửa phòng không Patriot trong Chiến tranh Lạnh và vẫn phải dựa vào sự hỗ trợ của NATO. Nước này hiện chỉ vận hành 12 hệ thống Patriot, trong đó 2 tổ hợp đang triển khai ở Slovakia. Cùng với Đức, Anh, Slovakia, Na Uy, Latvia, Hungary, Bulgaria, Bỉ, Cộng hòa Czech, Phần Lan, Litva, Hà Lan, Romania và Slovenia hồi giữa tháng 10 ký văn kiện thể hiện mong muốn cùng đặt mua những hệ thống tên lửa phòng không tầm xa như Patriot Mỹ và Arrow 3 của Israel, cùng tổ hợp tên lửa tầm ngắn IRIS-T của Đức.

Những động thái gấp gáp trên là một phần nỗ lực nhằm lấp khoảng trống phòng không của NATO. Thế nhưng nó không đồng nghĩa với việc chính quyền các nước trên đã thông qua kế hoạch mua những hệ thống phòng không tầm xa và đặt hàng với nhà sản xuất. Thực tế cho thấy, Mỹ đã hỗ trợ Ba Lan trong vài tháng qua, nhưng các hệ thống phòng không như Patriot vẫn không đủ để kiểm soát toàn bộ không phận và kịp thời phản ứng với những tình huống bất thường trên không như vụ việc vừa qua.

Trong khi đó, sự xuất hiện của nhiều tổ hợp phòng không hiện đại cũng không bảo đảm khả năng đánh chặn những tên lửa bay đến từ nước láng giềng, đặc biệt trong tác chiến hiện đại như hiện nay, các hệ thống phòng không gần như bị “qua mặt” bởi các chiến thuật sử dụng “tên lửa bầy” và “máy bay không người lái bầy” cùng nhiều hình thức tác chiến điện tử. Vỏ quýt dày có móng tay nhọn và không quốc gia nào có thể khẳng định lưới phòng không của mình có thể đánh chặn hoàn toàn tên lửa lao về mình. Cách duy nhất để đánh chặn hiệu quả chỉ còn cách ngăn chặn chiến tranh mà thôi.

Thanh Huyền