Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn
Chủ tịch Hồ Chí Minh là kết tinh những giá trị tinh thần cao quý của dân tộc và thời đại. Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người, tổ chức Giáo dục khoa học và văn hoá của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã công nhận Hồ Chí Minh là vị Anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam và Nhà văn hoá lớn của thế giới. Nghị quyết của UNESCO khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Việt Nam, góp phần vào công cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội ”
Do vậy giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là giữ cho dân tộc Việt Nam một di sản quý giá mà còn giữ cho cả nhân loại tiến bộ, phù hợp với tình cảm của nhân dân thế giới dành cho Người.
Hơn bốn mươi lăm năm trôi qua kể từ ngày Bác đi xa, nhiều thế hệ cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vượt qua biết bao khó khăn thử thách, tự lực tự cường vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đặc biệt mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân tin tưởng giao phó. Thi hài Bác được giữ gìn trong trạng thái tốt nhất. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh giữa Quảng trường Ba Đình lịch sử, nơi “lắng hồn núi sông”-một công trình kiến trúc văn hoá độc đáo, niềm tự hào của người Hà Nội được tôn tạo, duy tu, bảo vệ đã đón tiếp tận tình, chu đáo hàng chục triệu đồng bào, chiến sĩ từ khắp các miền của đất nước cũng như bạn bè quốc tế đến từ khắp các châu lục đến viếng và thể hiện tình cảm sâu nặng với Bác.
Giữa những ngày mùa thu Tháng Tám lịch sử, trong không khí cả nước đang tích cực tham gia cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nhân Kỷ niệm 70 năm Quốc khánh 2-9 và hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, tôi đã có dịp gặp và trò chuyện với Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm-nguyên Chính uỷ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, một vị Tướng xuất thân từ quê hương Lưu Phương (Kim Sơn-Ninh Bình), hiện là CCB ngụ tại phường Cống Vị (quận Ba Đình-Hà Nội), người từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên, Nam-Lào, Tây-Nam Bộ, hai lần làm nhiệm vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia và có 30 năm vinh dự là người lính làm nhiệm vụ “giữ yên giấc ngủ cho Người ”.
Thiếu tướng bùi ngùi xúc động mở đầu câu chuyện: “Nếu như hôm nay có mặt Đại tá-nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh, Đại tá-nhạc sĩ Thuận Yến, Thiếu tướng-nhạc sĩ An Thuyên... những văn nghệ sĩ đã đồng hành cùng Bộ đội bảo vệ Lăng Bác suốt hơn 40 năm qua! Không bao giờ còn được gặp các anh nữa, nhưng dường như ngày nào; nhất là trong những dịp Kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của Bác tôi cũng được xem và nghe những tác phẩm của các anh…”. Nghe vậy, tôi muốn minh hoạ thêm ý của Tướng Lâm rằng, không chỉ ông mà cả tôi, dẫu đã không còn ở “phố nhà binh”-con phố nằm không xa Lăng Bác, nhưng sáng sáng vẫn bật tivi coi Bộ đội bảo vệ Lăng chào cờ mở đầu bằng Tiến bước dưới quân kỳ của nhạc sĩ Doãn Nho, kết thúc bằng bài Bác vẫn cùngchúng cháu hành quân của nhạc sĩ Huy Thục, và nhiều tối vẫn đưa cháu nội đi xem các chú bộ đội tiêu binh đứng gác dưới trăng... Lại bảo trên giá sách nhà tôi ngoài cuốn sử biên niên về bộ đội bảo vệ Lăng, còn có cuốn “Giữ yên giấc ngủ cho Người” của các nhà văn Nguyễn Bảo, Nguyễn Trí Huân-những CCB từng ở “nhà số 4”, từng phụ trách tờ Văn nghệ Quân đội như tôi!
Tôi lại hỏi đại ý, Tướng quân được vinh dự làm nhiệm vụ “vinh quang con đứng bên Người”, lần đầu tiên bên Bác, ông có cảm tưởng như thế nào?. Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm tâm sự: “ Ngày 15-7-1981, sau 13 năm chiến đấu trên nhiều chiến trường, tôi nhận quyết định về công tác tại Bộ Tư lệnh Lăng. Hôm đầu tiên được giao nhiệm vụ trực ban, tôi mặc bộ lễ phục thật trang nghiêm, qua gương thấy mình thật đẹp và chững chạc. Tôi nghĩ, hình như nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh đã nói giùm tôi cũng như các chiến sĩ danh dự được đứng gác bên Bác trong bài thơ “Trăng lên”: “Con đứng gác bên thềm/ Con được là thuỷ thủ/ Thả mái chèo êm êm/ Trong mơ màng vũ trụ…, và: Con thấy cõi vô biên/ Không như lòng đã nghĩ/ Khi gặp nét thần tiên/ Trong khuôn vàng dung dị.” . Ông Lâm cho biết thêm, đời bộ đội của ông còn có nhiều ngày đáng nhớ nữa mà dường như ngày đáng nhớ nào cũng gắn với những kỷ niệm về Bác Hồ. Hôm được tin Bác mất qua làn sóng của Đài tiếng nói Việt Nam, cả đơn vị C2, K4, Trung đoàn 24 của ông đang chốt trên một điểm cao thuộc tỉnh Gia Lai đã bàng hoàng xúc động như không tin vào tai của mình nữa. Đơn vị làm lễ truy điệu Bác trong một ngày mưa tầm tã giữa rừng già Tây Nguyên. Nước mắt hoà cùng nước mưa đầm đìa những khuôn mặt lính trẻ sạm đen, hốc hác sau những ngày chiến đấu ác liệt cùng những đêm không ngủ vì thương nhớ Bác. Biến đau thương thành sức mạnh, ngay sau đó hôm 11-9-1969 đơn vị ông đã đánh thắng quân Mỹ (có cả xe tăng máy bay yểm trợ) một trận giòn giã ở Làng Huỳnh, bên con suối Gia Nhiên… Và trong trận chiến đấu ấy, ông được vinh dự kết nạp vào Đảng tại trận địa. Năm ấy ông mới hơn một tuổi quân và tròn 19 tuổi đời!
Thiếu tướng kể, sinh thời Bác của chúng ta có một ý nguyện là, sau khi mất, thi hài sẽ được hoả táng, lấy tro đựng vào ba chiếc bình, đặt trên ba ngọn đồi thấp ở ba miền Bắc-Trung-Nam để đồng bào cả nước có thể đến với Bác và để Bác được mãi mãi ở gần với dân với nước. Bác còn dặn thêm rằng, trên mỗi ngọn đồi phải trồng nhiều cây có bóng mát. Nhưng việc giữ gìn thi hài Bác cho đời đời con cháu mai sau được bái ngưỡng lại là nguyện vọng thiêng liêng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Ý Đảng, lòng dân đã gặp nhau… Và hơn 40 năm qua, Lăng Bác cùng với Quảng trường Ba Đình, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Khu di tích nhà sàn của Bác tại Phủ Chủ tịch và Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn đã thực sự trở thành thành mảnh đất thiêng liêng; một trung tâm văn hoá-lịch sử, một quần thể công trình kiến trúc độc đáo; là biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết dân tộc; nơi hội tụ tình cảm, niềm tin của nhân dân cả nước; một không gian thiêng của dân tộc; một vườn sinh thái có tầm cỡ quốc gia với rất nhiều loại cây, loài hoa quý; là niềm tự hào của Thăng Long-Hà Nội vừa kỷ niệm 1.000 năm tuổi... để hàng triệu triệu người từ khắp nơi về tưởng nhớ, chiêm ngưỡng, thể hiện tình cảm kính yêu của mình đối với Bác và nguyện mãi mãi đi theo con đường mà Người đã vạch ra!; đồng thời là điểm đến hấp dẫn của bạn bè quốc tế. Tướng Lâm cho biết: Kể từ ngày khánh thành (29-8-1975) đến nay đã có hơn 48 triệu lượt người vào Lăng viếng Bác, trong đó có hơn 7 triệu khách nước ngoài đến từ hơn 160 quốc gia và các tổ chức quốc tế...
Khi còn trong quân ngũ, bản thân tôi đã được các đồng chí ở cơ quan Tuyên huấn Bộ Tư lệnh Lăng cho xem cuốn sổ vàng ghi cảm tưởng của đồng bào đồng chí và bè bạn gần xa khi về Lăng viếng Bác. Thật là cảm động nhưng cũng rất tự hào về Bác của chúng ta!
Tướng Nguyễn Ngọc Lâm kể, có cô giáo dạy học ở vùng cao chỉ ao ước được đưa chồng con về Hà Nội viếng Bác một lần. Bạn tôi, nhà văn Hoàng Đình Quang từ TP Hồ Chí Minh ra dự Đại hội nhà văn sáng sớm tinh mơ đã kéo bằng được tôi dẫn đến Quảng trường Ba Đình xem bộ đội đổi gác, chào cờ; đưa cả điện thoại cầm tay ghi bài hát gửi vào cho vợ nghe… trực tiếp. Còn cô bạn tôi hiện định cư ở nước ngoài, trong một lần về nước được đến Quảng trường Lăng Bác, thấy lá Quốc kỳ do những chiến sĩ QĐND kéo lên đã không cầm nổi được nước mắt…và chị bảo: “Đó là Tổ quốc!”.
Trước khi chia tay, đồng chí nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng xúc động kể rằng, có đồng chí thương binh hỏng mắt vào viếng Bác đã nói, tuy không nhìn thấy Bác, nhưng cảm nhận được hơi ấm từ Bác; lại có những đồng chí, đồng bào ra Hà Nội vì bức xúc chuyện nọ chuyện kia, sau khi vào viếng Bác và xem phim Những giờ phút cuối cùng bên Bác tự nhiên thấy lòng mình lắng lại, dịu đi... Và ông nói với tôi một câu như là một tâm sự tự đáy lòng: “Đúng như nhà thơ Tố Hữu viết trong bài “Bác ơi”: Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn anh ạ!”…
Thập Tam trại, tháng 8-2015
Ngô Vĩnh Bình