Ngày sau ông làm quen được với một người trong đơn vị. Người lính đó cũng vừa tròn 16 tuổi. Người bạn giới thiệu ông với chú Năm - Đại đội trưởng. Theo lời chú Năm, ông về xin phép mẹ cho vào quân đội. Con đi, mẹ sẽ vất vả hơn với đám ruộng, nhưng con quyết đi, vả lại đồng đội nó cũng nhiều người tuổi đời 16. Thôi con đi, mẹ còn bà con lối xóm. Chỉ thương con đạn bom, vất vả… con chịu nổi không? Đã đi là đi đến cùng nghe con… Nghe mẹ nói, ông chưa hiểu biết nhưng vẫn dạ cho vui lòng mẹ. Ông trở thành tân binh Đại đội 2 đặc công từ hôm đó. Luyện tập quân sự cũng như tập việc ruộng đồng vậy thôi. Ông hăng say tập như những ngày lao động trên mảnh đất miệt mài, cần mẫn. Vào đơn vị, ông thích đi bắt cá, ông chỉ đi vài tiếng đồng hồ là đơn vị đủ ăn trong ngày. Vậy là cái biệt danh “Bé cá” ở quê hương lại cùng ông vào đơn vị. Sau những ngày khẩn trương tập luyện, ông cùng đơn vị đánh đồn, diệt ác. Lần đầu ra trận, ông còn run và hồi hộp lắm. Xong trận, trở về đơn vị, ông thở phào, hóa ra đánh giặc cũng bình thường như cấy lúa, trồng khoai, như câu tôm, bắt cá vậy thôi. Xuân Mậu Thân năm 1968, ông cùng đơn vị nhận lệnh tập kích sân bay Vĩnh Long. Trận đánh ác liệt, ông bị thương vào đầu rất nặng và sa vào tay giặc. Vết thương chưa lành hẳn, địch đưa ông ra trại tù binh Phú Quốc. Trong vòng tay đồng đội, ông trưởng thành mặc cho kẻ thù đàn áp ngày đêm. Sáu năm trong trại “Tù binh Cộng sản”, ông học được rất nhiều về lòng trung thành, kiên cường, bất khuất từ đồng đội. Vì vậy, ông đã giữ vững khí tiết người chiến sĩ Cộng sản, ngẩng cao đầu trước kẻ thù, tin vào ngày non sông thống nhất.
Theo tinh thần Hiệp định Paris về Việt Nam, hai bên tiến hành trao trả tù binh, ông và nhiều đồng đội được trao trả tại bờ sông Thạch Hãn (Quảng Trị). Sau đó ông được ra miền Bắc an dưỡng, được Đảng và nhân dân quan tâm, chăm sóc. Cuộc sống đầy đủ nhưng lòng ông vẫn thương nhớ quê nhà. Ông đã làm đơn xin trở lại chiến trường để trực tiếp chiến đấu. Đơn của ông được chấp thuận. Ông vượt Trường Sơn về ĐBSCL, được biên chế về Đại đội trinh sát của Đoàn 6 Pháo binh Quân khu 9. Từ người lính đặc công, trở thành trinh sát pháo binh, ông cùng đồng đội đo đạc, tính toán chính xác từng ly giác để đơn vị trút lửa xuống đầu thù. Với trinh sát Phan Văn Bé, những năm tháng sống chiến đấu cùng đồng đội là thời gian có ý nghĩa nhất cuộc đời. Rất yêu quân ngũ nhưng vết thương trên đầu tái phát, năm 1980 ông phục viên, là thương binh loại 2/4.
Trở về ấp Phú Hựu Xuân, xã Phú Long, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, CCB Phan Văn Bé lại lao vào công tác địa phương. Với tinh thần một đảng viên, CCB, ông luôn hoàn thành bất cứ công việc gì được phân công. Thời kỳ làm Xã đội trưởng, ông tham mưu cho cấp ủy và UBND có những giải quyết phù hợp trong việc thi hành Nghĩa vụ quân sự, thực hiện chính sách hậu phương quân đội, giữ gìn an ninh trật tự địa phương, xây dựng xã, ấp Văn hóa...
Ngày về, ông được địa phương giao cho hai công đất ruộng. Cùng người vợ đảm, ông gieo trồng mùa nào thức ấy, luân vụ, chuyên canh. Bà con ai cũng ngợi khen nghề nông giỏi của gia đình ông. Tích cực công tác địa phương, cần cù sáng tạo làm theo khoa học kỹ thuật, sống tiết kiệm... Phan Văn Bé sắm đầy đủ phương tiện, máy móc cho nghề nông. Đất của ông có 12 công ruộng, 2 công vườn, trong đó, đất vườn trồng nhãn và thực hiện đúng hướng dẫn qua sách vở và cán bộ nông nghiệp, nên nhãn cho năng suất cao, chất lượng tốt, có bao nhiêu, thương lái đều mua hết.
Bước sang tuổi 68, dù đã nghỉ hưu, ông vẫn là cố vấn cho cấp ủy, UBND xã. Ngày ngày ông vẫn miệt mài cùng đồng ruộng. Bốn người con của ông đều phương trưởng, có công ăn việc làm ổn định, có gia đình hạnh phúc. Ông vẫn tích cực công tác Hội Nông dân, Hội CCB, Hội Người cao tuổi... Đã nhiều lần ông được mời phổ biến kinh nghiệm CCB làm giàu chính đáng. Nghe tin có đồng đội gặp hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, ông nhiệt tình giúp đỡ. Ông đã từng đi xe máy đến tận các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng... để thăm hỏi, động viên và giúp vật chất khi biết tin đồng đội đang cơn hoạn nạn. Sẵn sàng giúp người khi khó khăn, ông tích cực với những việc làm từ thiện. Khi rảnh rỗi, ông lại ra đồng thả lưới, câu tôm, bắt cá... Biệt danh “Bé cá” vẫn còn nguyên vẹn. Ông được tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác Hội. Vừa qua ông vinh dự được nhận Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.
Giờ đây, dẫu tuổi tác đè nặng đôi vai, mình vẫn phải sống đầy bản lĩnh, khí phách một CCB, thương binh, một cựu tù binh của trại “Tù binh cộng sản Phú Quốc” anh hùng. Mình phải sống trước sau như một để con cháu noi theo, để góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp - ông Bé vui vẻ nói.
BÙI KIM THÀNH