Y bác sĩ về hưu: Luôn sẵn sàng khi Tổ quốc gọi
Bác Trần Thị Kiểm chia sẻ, khi Tổ quốc gọi, luôn sẵn sàng không ngại khó, ngại nguy hiểm.
Dù đã nghỉ hưu nhiều năm nhưng khi nhận được đề nghị cùng giúp sức với ngành y tế, bác nào cũng gật đầu ngay tắp lự.
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến căng thẳng, gần 300 y tá và bác sĩ đã nghỉ hưu của quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cùng tự nguyện đăng ký tham gia chống dịch.
Ông Trần Thế Cương, chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm cho biết, đây là điều vô cùng đáng trân trọng. Thực tế số y bác sĩ tình nguyện lớn hơn, trong đó có nhiều người hơn 70 tuổi, 80 tuổi nên địa phương chỉ xin phép nhờ những bác mới nghỉ hưu.
“Vô tư đi, luôn sẵn sàng mọi tình huống”
Trong suốt cuộc trò chuyện, bác sĩ Trần Thị Kiểm không giấu nổi niềm vui khi sắp tới có thể góp sức mình cùng đất nước chống dịch Covid-19.
Bác Kiểm từng là Phó trưởng khoa Y tế công cộng, TT Y tế huyện Từ Liêm (nay là quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm). Dù đã về hưu được 5 năm, ở tuổi ngoài 60 nhưng bác vẫn nhanh nhẹn như thanh niên.
Bác bảo “bí quyết” là ngày nào cũng đi bộ, tập dưỡng sinh, tập máy ngay cổng khu tập thể. Dù có dịch nhưng ngày nào bác cũng đeo khẩu trang đi tập, không bỏ bữa nào.
Tin tưởng vào sức khoẻ của mình nên khi cán bộ Trạm y tế phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm mở lời mong được bác cùng giúp sức để tham gia chống dịch Covid-19, bác Kiểm gật đầu ngay.
“Trước đây tôi đã tham gia nhiều đợt huy động chống dịch, trong đó có dịch SARS năm 2003 rồi tiêm chủng mở rộng nên khi biết chủ trương của địa phương, tôi nhất trí ngay. Chuyện đó là bình thường. Việc gì phù hợp với mình thì mình không nề hà. Tổ quốc gọi mình luôn sẵn sàng hỗ trợ hết sức không ngại khó, ngại nguy hiểm”, bác Kiểm chia sẻ.
Khi biết quyết định của bác, cả nhà đều ủng hộ. Cô con gái đang là Phó trưởng khoa TT Y tế quận Bắc Từ Liêm chỉ dặn mẹ: “Các con luôn ủng hộ mẹ nếu mẹ cảm thấy đủ sức khoẻ”, còn người bạn đời chỉ nói một câu: “Bà làm gì cũng được, nhưng phải cẩn thận”.
Con gái ngay sau đó đã trang bị cho mẹ khẩu trang, kính, mũ để tham gia chống dịch. “Như này là có đầy đủ phương tiện tham gia trận chiến này rồi”, bác Kiểm cười tươi khoe.
Bác Kiểm chia sẻ, do nhiều năm làm nghề nên việc truyên truyền, vận động cho người dân bác đã quá nhuần nhuyễn. Hiện tại, bác vẫn đang phụ trách y tế cho một trường học, vẫn tập huấn cho giáo viên, phụ huynh, học sinh thường xuyên, vẫn hàng tuần khử khuẩn cho trường nên lại càng rành rẽ về dịch Covid-19.
“Mình làm trong ngành dự phòng quen rồi, còn đi giảng cho người khác nên sẽ có kiến thức để tự bảo vệ mình. Giờ đất nước cần, kể cả ngoài giờ hay ban đêm tôi luôn sẵn sàng, chỉ lo mình không có nhiều sức khoẻ còn lúc nào cũng vô tư đi, luôn sẵn sàng trong mọi tình huống”, bác Kiểm nói, giọng hồ hởi.
“Có kiến thức mà không dùng thì phí quá”
Từng công tác trong bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, sau đó có 20 năm làm trạm trưởng Trạm Y tế phường Đông Ngạc, bác sĩ Đặng Minh Vụ là một trong số gần 280 y, bác sĩ đã nghỉ hưu tình nguyện tham gia chống dịch Covid-19.
Ở tuổi 65, nhiều người hỏi ông không sợ dịch à nhưng ông chỉ cười. “Dịch dã nói không lo là không đúng nhưng mình là cán bộ y tế, phải hiểu rõ về dịch hơn ai hết nên phải có ý thức phòng tránh. Càng có chuyên môn càng phải có ý thức hơn”, bác sĩ Vụ chia sẻ.
Ông cho biết, trong suốt cuộc đời làm nghề, ông đã từng tham gia nhiều trận dịch lớn như dịch SARS 2003, dịch tả năm 2007, dịch cúm H1N1 2009… nên đã có những kinh nghiệm nhất định.
“Ngay cả giờ nếu có tình huống quá gấp rút, chưa thể tham gia tập huấn được thì chúng tôi vẫn có thể tham gia vào các đội ngay được vì ít nhiều đã từng làm phòng chống dịch và Covid-19 cũng có những điểm khá tương đồng với SARS”, bác sĩ Vụ nói.
Ông cho biết, do cả gia đình đều làm ngành y, trong đó con gái đang làm ở TT Y tế quận Bắc Từ Liêm, con trai làm ở BV 198 nên cả nhà đều ủng hộ và động viên ông tham gia.
“Giờ chống dịch như chống giặc, bất kể ai cũng cùng tham gia được, mình có chuyên môn mà không tham gia thì vô cùng trăn trở, lòng thôi thúc không yên”, bác sĩ Vụ chia sẻ.
Và vì yêu nghề, yêu Tổ quốc, một lần nữa bác sĩ Vụ lại khoác áo blouse trắng chiến đấu cùng dịch bệnh với một vị trí đặc biệt.
Cùng khí thế như bác sĩ Vụ, bác Nguyễn Thị Thu Nga, ở phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm đã đăng ký tham gia chống dịch.
Ở tuổi 62, bác Nga vẫn vô cùng dẻo dai. Mỗi sáng, bác Nga cùng mọi người tập dưỡng sinh, chiều chiều tập yoga nhưng bác quán triệt mọi người phải đứng cách xa nhau, đeo khẩu trang và ít nói chuyện.
Từ khi có dịch Covid-19 đến nay, đều đặn hàng ngày bác mở sổ ghi chép số lượng bệnh nhân từng ngày, từng tỉnh, số ca mắc trên thế giới. Bác bảo, do bệnh nghề nghiệp, ghi chép lại để xem dịch thế nào.
Trước đây, bác Nga là nữ hộ sinh khoa Chăm sóc sức khoẻ sinh sản của Trung tâm Y tế huyện Từ Liêm. Giờ con gái cũng nối nghiệp mẹ, công tác tại TT Y tế quận Nam Từ Liêm. Những ngày cả nước căng thẳng chống dịch, 6h tối chị vẫn chưa về nên bác Nga đảm trách trông 3 cháu ngoại.
“Thấy con gái đi sớm về muộn, tôi chỉ biết động viên con cố gắng. Giờ tất cả y bác sĩ đều vất vả, mình cũng góp sức nhưng phải chăm sóc bản thân, tuân thủ đúng các quy định của ngành y tế để tự bảo vệ”, bác Nga chia sẻ.
Dù bận rộn với công việc nhà là thế khi phải chăm mẹ già và 3 cháu nhỏ nhưng khi biết địa phương cần huy động thêm y, bác sĩ đã nghỉ hưu, bác Nga đồng ý tham gia ngay, không chút đắn đo.
“Khi cả nước đang căng mình chống dịch như này, sẽ thiếu rất nhiều cán bộ y tế. Mình là nhân viên y tế, nếu có thể góp được một chút công sức của mình, trước hết cho xóm, cho phường thì cùng góp sức tí ti cùng cả nước chống dịch. Mình cũng biết một chút ngành y mà không dùng thì phí quá”, bác Nga tâm sự.
Bác bảo mình cứ tham gia, làm được cái nào thì làm cái đó, mắt không còn tinh tường lấy được máu xét nghiệm thì chạy vòng ngoài, lấy nhiệt độ, bê cơm… Trong dịch SARS 2003, bác Nga cũng từng tham gia hỗ trợ vòng ngoài.
Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bác Nga là người thường xuyên vận động, động viên hàng xóm, người trong phường đeo khẩu trang, rửa tay với xà phòng, hạn chế chỗ đông người, không đi đâu xa để tránh lây nhiễm.
Bác Nga chia sẻ, ngoài bác, phường Thượng Cát còn có 4 người bạn của bác là những nhân viên y tế đã về hưu cũng tham gia hỗ trợ, trong đó có 1 dược sĩ, 1 y tá, 1 bác sĩ chuyên khoa mắt, 1 kĩ thuật viên chụp X-quang.
“Tất cả chúng tôi đều hào hứng và tự hào khi thấy mình còn đóng góp được cho đất nước”, bác Nga xúc động nói.
Thúy Hạnh