Y án sơ thẩm vụ Nông trường Sông Hậu: Cần xem xét đến hiệu ứng của dư luận (24/11/2009)

Tại đây, HĐXX đã tuyên y án sơ thẩm 8 năm tù giam, buộc bồi thường hơn 4,3 tỷ đồng đối với bà Trần Ngọc Sương, nguyên Giám đốc Nông trường Sông Hậu.
Ba Sương, tên thường gọi của bà Trần Ngọc Sương - Giám đốc Nông trường Sông Hậu, người phụ nữ ấn tượng khu vực châu Á - Thái Bình Dương, người đã có công biến vùng đất 7.000ha hoang lầy, nhiễm phèn mà cây lúa mọc không nổi trở thành nơi làm ra của cải cho xã hội, trở thành những làng công nhân nông nghiệp của chủ nghĩa xã hội. Từ đó hình thành trung tâm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao có tiếng tăm lẫy lừng trong và ngoài nước.
Nói về bà Ba Sương, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình khẳng định: " Chính tôi là người từng đi đến Nông trường Sông Hậu để xác minh có xứng đáng tuyên dương danh hiệu anh hùng hay không thì thấy rõ là hoàn toàn xứng đáng. Nông trường Sông Hậu đã cải thiện được cuộc sống cho hàng ngàn người nông dân khi làm ăn càng ngày càng hiệu quả, phát triển. Đó là Nông trường Anh hùng, cá nhân cô ấy (Trần Ngọc Sương) cũng là Anh hùng, không phải ngẫu nhiên được như thế".
Về cáo buộc lập "Quỹ trái phép" hay "Quỹ đen" đối với bà Trần Ngọc Sương, nguyên Phó Chủ tịch nước khẳng định: "Đây không phải là "Quỹ đen" mà phải gọi đúng tên là "Quỹ đời sống", trong thời gian đó người ta cũng gọi đây là "Quỹ đời sống".
"Cô ấy duy trì quỹ đó không phải để cho riêng mình tiêu xài, cũng không hề có gì dấu giếm để phục vụ cho những lợi ích cá nhân", nguyên Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh.
" Nông trường Sông Hậu đã cải thiện được cuộc sống cho hàng ngàn người nông dân khi làm ăn càng ngày càng hiệu quả, phát triển. Đó là nông trường anh hùng, cá nhân cô ấy (Trần Ngọc Sương) cũng là anh hùng, không phải ngẫu nhiên được như thế". Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Thu Ba cho biết, UB này có thể lập đoàn giám sát khi dư luận vẫn bức xúc và thấy có dấu hiệu sai sót trong vụ án.
Theo thông tin từ luật sư Nguyễn Trường Thành, người tham gia bào chữa cho bà Trần Ngọc Sương, dự kiến đầu tuần tới, ông sẽ gửi đơn khiếu nại giám đốc thẩm lên Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC) và Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao (VKSNDTC).
Được biết, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án TANDTC về việc "kiến nghị xem xét bản án". Theo ý kiến của cơ quan này, quá trình xử lý vụ việc cũng cần tính đến sự chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế trong giai đoạn hiện nay; nhiều quy định có thể không phù hợp với sự vận hành của một nông trường quốc doanh vừa có tính chất của một doanh nghiệp nhà nước lại vừa có tính chất như một hợp tác xã. Mặt khác, quá trình xử lý cũng cần cân nhắc thận trọng đến hiệu ứng của dư luận đối với kết quả bản án.

A.Hoàng