Xứng danh tên Bác đặt cho
Sau thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết. Để đón và bảo vệ Bác Hồ cũng như các cơ quan T.Ư về Thủ đô Hà Nội, vào trung tuần tháng 8-1954, tại làng Yên Dục, xã Thuận Hòa, Quốc Oai, Sơn Tây (nay là xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ, TP Hà nội). Tiểu đoàn 12 tiền thân của Trung đoàn được thành lập. Tiểu đoàn nằm trong đội hình Trung đoàn 600 (Đoàn Tân Trào), Đại đoàn 350. Sau khi ổn định biên chế tổ chức, ngày 23-9-1954, đơn vị hành quân lên Sơn Tây bố trí lực lượng làm nhiệm vụ đón và bảo vệ Bác Hồ về Thủ đô Hà Nội.
Từ đó đến năm 1958, cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 12 đã vượt qua mọi khó khăn, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ T.Ư Đảng, Chính phủ và Bác Hồ, bảo vệ các cơ quan quốc tế, các đoàn ngoại giao. Kịp thời trấn áp nhiều vụ gây rối trị an, làm thất bại nhiều hoạt động phá hoại của địch. Tham gia xây dựng đắp “đường Thanh niên”, “công viên Thống nhất” và đào “Ao cá Bác Hồ”… Nhiều lần đơn vị được đón Bác đến thăm, được Bác ân cần căn dặn; cán bộ chiến sĩ không sa ngã trước “viên đạn bọc đường”, đoàn kết cùng nhau công tác tốt. Với tình cảm sâu nặng và sự quan tâm lớn lao Bác đã đặt tên cho đơn vị là “Đoàn Thanh Xuyên”! Ý nghĩa như một thanh gươm báu, thường xuyên được mài dũa tôi luyện, sẵn sàng hoàn thành mọi trọng trách! Vượt lên khó khăn lập được nhiều thành tích, Tiểu đoàn được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba.
Ngày 3-3-1959, lực lượng Công an vũ trang được thành lập. Trung đoàn 600 (Đoàn Tân Trào) chuyển sang lực lượng Công an vũ trang. Đoàn Thanh Xuyên - Tiểu đoàn 12 được tách từ Đoàn Tân Trào là đơn vị cơ động chiến đấu duy nhất của Công an vũ trang. Cũng từ đây bước chân hành quân chiến đấu tiễu phỉ, bắt gián điệp, biệt kích thám báo… của cán bộ chiến sĩ đoàn Thanh Xuyên trải dài khắp mọi miền đất nước từ Việt Bắc, Tây Bắc, Nghệ An, Quảng Bình, Vĩnh Linh; từ Trị Thiên khói lửa, núi rừng Tây Nguyên tới Cà Mau đất mũi và hai nước bạn Lào, Cam-pu-chia…
Ngày 4-2-1978, Bộ tư lệnh Công an nhân dân vũ trang đã quyết định nâng cấp Tiểu đoàn 12 thành Trung đoàn 12. Ngay sau đó Trung đoàn hành quân lên các tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn, biên giới phía Bắc và nơi đây ngày 25-8-1978, Lê Đình Chinh người chiến sĩ ưu tú của đơn vị đã lập công xuất sắc và anh dũng hi sinh tại Cửa khẩu Hữu Nghị, phất ngọn cờ đầu trong cuộc chiến chống quân bành trướng phương Bắc! Tấm gương đó đã thôi thúc tuổi trẻ cả nước sục sôi hưởng ứng phong trào: “Sống, chiến đấu rực lửa Anh hùng như Lê Đình Chinh” do T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động. Trong những ngày chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc tháng 2-1979, Trung đoàn đã dũng cảm kiên cường chặn đứng nhiều đợt tiến công, tiêu diệt xe tăng và sinh lực đối phương! Nhiều cán bộ chiến sĩ đã anh dũng hi sinh góp phần bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Chiến công ấy đã tô thắm thêm truyền thống anh hùng, truyền thống “Trung kiên, dũng cảm, luyện giỏi, đánh thắng” của Trung đoàn.
Sau chiến tranh biên giới, trước yêu cầu bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của Thủ đô Hà Nội, ngày 26-4-1980, Trung đoàn được điều chuyển từ Bộ đội Biên phòng về Quân khu Thủ đô nằm trong đội hình Sư đoàn 301 và chuyển phiên hiệu từ Trung đoàn 12 thành Trung đoàn bộ binh 692, là đơn vị chủ lực cơ động chiến đấu của lực lượng vũ trang Thủ đô.
60 năm xây dựng, chiến đấu và phát triển, các thế hệ cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 12, Trung đoàn 12 năm xưa, Trung đoàn 692 hôm nay đã vượt qua mọi gian khó, hiểm nguy, chiến đấu hi sinh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Trung đoàn và Tiểu đoàn 1 (nay là Tiểu đoàn 4) và 3 cá nhân là liệt sĩ Lê Đình Chinh, liệt sĩ Nguyễn Đình Thuần và đồng chí Nguyễn Công Thuận được tuyên dương Anh hùng LLVTND; 156 tập thể và cá nhân được trao tặng huân chương các loại. Trung đoàn bốn lần vinh dự được được đón nhận lẵng hoa của Bác Hồ và Bác Tôn tặng. Nhiều năm được nhận cờ thi đua Quyết thắng và là đơn vị huấn luyện giỏi của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, cờ “Tuổi trẻ anh hùng bảo vệ Tổ quốc ” của T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh… Nhiều cán bộ chiến sĩ Trung đoàn trưởng thành là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, quân đội, 6 đồng chí được phong hàm cấp tướng… xứng đáng với tên Đoàn Thanh Xuyên do Bác Hồ đặt cho.
Bài và ảnh:Nguyễn Đức Hiệu