Xuất khẩu lao động Cần hoàn thiện cơ chế chính sách cho phù hợp với thực tiễn
Với mục tiêu “Nâng cao chất lượng lao động và tăng số lượng người lao động (NLĐ) ở các huyện nghèo tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ), góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và thực hiện giảm nghèo bền vững”, Đề án “Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh XKLĐ góp phần giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2009-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Lần đầu tiên chúng ta đã đào tạo và đưa được một số lượng lớn lao động là người dân tộc ra nước ngoài làm việc. Cụ thể, đã có 18.500 lao động được tuyển chọn để đào tạo và gần 10.000 lao động đã được đưa đi làm việc tại các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Ma-lay-xi-a, Ả-rập Xê-út... trong đó 95% là người nghèo và người dân tộc. Người lao động các huyện nghèo đi làm việc đều có việc làm và thu nhập ổn định, trung bình khoảng từ 5-7 triệu đồng/tháng. Đến nay, đã có nhiều lao động hoàn thành hợp đồng về nước và đã góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của gia đình và địa phương, góp phần thay đổi và nâng cao nhận thức của NLĐ, thay đổi cơ cấu và nâng cao chất lượng nguồn lao động tại địa phương.
Tuy nhiên, Bộ LĐTBXH cũng thẳng thắn nhìn nhận, số lao động của 62 huyện nghèo được xuất khẩu còn quá thấp so với mục tiêu (đưa 50.000 lao động thuộc các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài-bình quân mỗi năm đưa được khoảng 10.000 lao động trong đó, khoảng 90% lao động thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số). Theo đó, mỗi xã chỉ có khoảng 22 lao động đăng ký tham gia đề án, mỗi huyện chỉ có 325 người đăng ký. Số lao động thuộc hộ nghèo được đưa đi làm việc ở nước ngoài trung bình chỉ đạt 161 lao động/người/năm. Báo CCB Việt Nam cũng đã từng đề cập tới việc người đi lao động xuất khẩu của 62 huyện nghèo thường phá hợp đồng bỏ về, lâm vào cảnh nghèo hơn và cũng chỉ ra nguyên nhân khiến Đề án này không thực hiện được tốt như: chính sách hỗ trợ NLĐ nâng cao trình độ văn hoá để tham gia XKLĐ không thực hiện được ở hầu hết các địa phương; mức hỗ trợ cho NLĐ về sinh hoạt phí, chi phí ăn ở, đi lại không còn phù hợp do tình hình lạm phát; một số nội dung cần hỗ trợ NLĐ nhưng chưa được quy định hoặc có quy định những không phù hợp với đặc thù của các huyện nghèo…
Theo Bộ LĐTBXH, để nâng cao hiêu quả Đề án này trong thời gian tới, cần hoàn thiện cơ chế chính sách để phù hợp với thực tế triển khai Đề án. Trước mắt, ưu tiên đơn giản hóa quy trình, thủ tục thực hiện hỗ trợ cho NLĐ và doanh nghiệp tham gia Đề án; thí điểm hình thức thanh toán chi phí đào tạo theo tỉ lệ xuất cảnh nhằm khuyến khích và nâng cao vai trò của DN trong tuyển chọn đào tạo. Đề xuất thí điểm thực hiện thanh toán tiền hỗ trợ học phí cho NLĐ theo mức khoán. Các chi phí hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt phí, tiền ở, trang cấp ban đầu, khám sức khỏe, chi phí làm thủ tục xuất cảnh thanh toán theo số lượng lao động, thời gian tham gia đào tạo và các chi phí phát sinh thực tế. Lựa chọn và nhân rộng các mô hình tuyển chọn, đào tạo gắn kết giữa địa phương và doanh nghiệp. Bên cạnh đó tăng cường công tác giám sát nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những tồn tại, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện.
Để khắc phục tình trạng chỉ những NLĐ được các doanh nghiệp có đăng ký tham gia Đề án tuyển chọn, đào tạo mới được hưởng các hỗ trợ, nhiều đối tượng thuộc huyện nghèo theo đó không được hưởng hỗ trợ, Bộ LĐTBXH đề xuất sửa đổi quy trình thực hiện theo hướng: mọi NLĐ thuộc các huyện nghèo đi XKLĐ đều được hỗ trợ.
Bên cạnh đó, Bộ LĐTBXH cũng nghiên cứu đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trực tiếp tư vấn cho NLĐ ngoài những nội dung đã được quy định cho các địa phương theo đề án.
Dương Sơn