Những ngày giáp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, chúng tôi có dịp cùng Đoàn Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân và đại biểu 9 tỉnh miền Tây Nam Bộ thăm, chúc Tết đồng bào và chiến sĩ Vùng 5 Hải quân và một số xã đảo miền biển Tây Nam Tổ quốc. Hà Nội đang rét ngăn ngắt làm đào ngậm nụ, vậy mà vào đây, thấy nắng vàng trải khắp nơi, những đóa mai bung cánh vàng rực rỡ. Mang tình cảm nồng ấm, tri ân và chia sẻ; được chứng kiến cuộc sống và quyết tâm giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc của đồng bào, chiến sĩ nơi đảo xa, lòng chúng tôi ấm áp lạ thường.
Những chiến sĩ Vùng 5 Hải quân
Ấn tượng về người chiến sĩ Hải quân sâu đậm trong chúng tôi đã từ lâu và đặc biệt trong chuyến đi này. Xuất phát từ quân cảng An Thới thuộc Lữ đoàn 127 (Vùng 5 Hải quân, thuộc huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) vào lúc 5 giờ 30 phút, khi mọi người trong bờ còn đang say giấc nồng, con Tàu 632 hú ba hồi còi chào đất liền và đưa Đoàn công tác 130 người chúng tôi bắt đầu cuộc hải trình. Trên tàu vận tải 450 tấn, các cabin giường ngủ của cán bộ, chiến sĩ được nhường cho chị em, còn lại toàn bộ hai khoang hàng được đóng lại, căng mái bạt, rải chiếu trên nắp khoang cho các vị khách nam. Khách đã vậy, chiến sĩ trên tàu làm việc suốt, chẳng thấy nghỉ. Mưa, gió biển cuộn ù ù, vậy mà ai cũng vui. Cảnh các chiến sĩ đi nghiêng ngả phục vụ trên tàu, hay tận tình làm nhiệm vụ bảo hộ làm nhiều người cảm động. Đã trải qua quân ngũ nên tôi thật khâm phục khi biết Thượng úy Phan Văn Hiếu với khuôn mặt thư sinh mới 33 tuổi có thâm niên 4 năm là Thuyền trưởng. Thế hệ cán bộ mới của Quân đội là vậy, học xong phổ thông, thi vào Học viện Hải quân, học thêm một bằng đại học và nay chững chạc đảm đương nhiệm vụ và dày dạn kinh nghiệm. Không chỉ Thuyền trưởng, Thuyền phó Nguyễn Văn Đăng và một số chiến sĩ khác trên tàu cũng vậy và tôi được biết, cha của các anh cũng là các hội viên CCB. Truyền thống Quân đội, truyền thống gia đình được nối tiếp là đây. Với hơn 40 năm thành lập, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Vùng 5 Hải quân đã lập nên nhiều chiến công xuất sắc, làm nên truyền thống Anh hùng cho riêng mình, góp phần bảo vệ vững chắc biển đảo của Tổ quốc. Chuyện trò với Đại tá Nguyễn Đăng Tiến - Phó chính ủy Vùng 5, Trưởng đoàn công tác chúng tôi được biết, Vùng 5 Hải quân được thành lập ngày 26-10-1975 và ngay sau khi ra đời, Vùng 5 Hải quân đã phối hợp cùng các lực lượng đánh bại âm mưu lấn chiếm của Khmer Đỏ ở vùng biển Tây Nam, sau đó nhận nhiệm vụ đứng chân trên đất bạn, giúp bạn xây dựng lực lượng, tổ chức đánh địch trên đất liền, hỗ trợ nhân dân nổi dậy, đập tan quân Pol Pot. Hiện nay, Vùng 5 Hải quân quản lý hơn 200 hòn đảo lớn nhỏ với một vùng biển rộng lớn phía Tây Nam và vịnh Thái Lan thuộc vùng biển hai tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, rộng hơn 150.000km2. Bên cạnh sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biển đảo, các đơn vị trong Vùng luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ khác như vận chuyển hàng thường xuyên cũng như đột xuất, vận động nhân dân phòng chống dịch bệnh; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân; cử y, bác sĩ sang khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hàng nghìn lượt người dân và các lực lượng Hải quân Hoàng gia Cam-pu-chia; phối hợp cứu nạn nhiều tàu cá Việt Nam và nước ngoài bị chìm, cháy, chết máy, mắc cạn trên biển; thực hiện tuần tra chung với Hải quân Hoàng gia Cam-pu-chia và Hải quân Hoàng gia Thái Lan... Trong cơn bão số 12 vừa qua, các chiến sĩ thuộc Vùng tham gia cứu được hàng trăm người dân và các phương tiện trên biển, nhiều chiến sĩ được khen thưởng xứng đáng.

Nghĩa tình quân dân vùng biển
Vượt qua gần 700km (350 hải lý) với những chuyến đi thâu đêm, thâu ngày, Đoàn công tác chúng tôi đến thăm và tặng quà Tết cán bộ, chiến sĩ Hải quân, các lực lượng khác của quân đội và nhân dân trên các đảo Phú Quốc, Hòn Đốc, Nam Du, Hòn Chuối, Hòn Khoai, Thổ Chu. Phú Quốc dải rộng như một đại công trường xây dựng - Nơi đâu cũng một màu xanh tràn đầy sức sống, tàu thuyền đánh bắt hải sản tấp nập trên biển, những bãi đăng, bãi đó của bà con ngư dân và cảm nhận được công sức của Bộ đội Hải quân, Biên phòng, Cảnh sát biển và đồng bào, chiến sĩ cả nước với vùng đất, vùng biển, vùng trời nơi đây lớn biết nhường nào để vượt lên, để chiến thắng mọi khó khăn vất vả. Đảo Hòn Đốc nơi chúng tôi đến đầu tiên còn có tên là đảo Hải Tặc ghi dấu một thời tung hoành của các băng nhóm cướp biển. Đến đảo Nam Du, ngay cạnh cầu tàu là Nhà bia tưởng niệm hương hồn hàng trăm đồng bào bị tử nạn do cơn bão ngày 2 và 3-11-1997 và đặc biệt, ở xã đảo Thổ Châu trên đảo Thổ Chu là ngôi Đền tưởng niệm hơn 500 người dân xã đảo bị quân Khơ-me đỏ sang xâm chiếm, tàn sát năm 1975. Thiên tai, địch họa là đó chứ đâu. Không phải chỉ trong lịch sử hàng nghìn năm mà là rất gần, rất gần. Đã có bao máu và nước mắt của đồng bào, chiến sĩ ta đổ xuống, làm nên lịch sử của vùng đất thiêng liêng này.
Trong suốt chuyến đi, từ Phú Quốc đến Hòn Đốc, Hòn Chuối, Hòn Khoai, Nam Du, Thổ Chu - nơi đâu chúng tôi cũng cảm nhận được sự nồng ấm nghĩa tình quân dân. Biết nhau qua tấm huy hiệu CCB sáng vàng trên ngực áo, anh Huỳnh Công Phúc - Phó chủ tịch Hội CCB tỉnh Đồng Nai; anh Nguyễn Quốc Ca - Phó chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn công tác tỉnh Hậu Giang tâm sự, thấy chân như thêm dẻo. Ở Hòn Chuối, Hòn Khoai, cả Đoàn cùng “thưởng thức” nỗi vất vả cùng bộ đội khi leo bộ 4km đường rừng, dốc dựng cả chiều lên, chiều xuống để thăm hỏi, tặng quà. Đúng mùa gió chướng, khi đến đảo Hòn Chuối (cách thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau 17 hải lý), thuyền trung chuyển phải chạy vòng nửa đảo mới tìm được bờ đá cao 5-7m để chúng tôi bám tay đồng đội leo lên. Lên đảo lại leo dốc đá 45 độ, ai nấy phì phà phì phò… Thấy hàng chục chiếc lán nhỏ bên bờ, Thượng tá Tô Thanh Ngoan - Chính trị viên Đồn Biên phòng Hòn Chuối cho biết, đây là nhà của đồng bào. Hộ nào cũng có hai nhà, chẳng phải vì giàu có mà là để mùa gió đông thì sang bên tây, mùa gió tây thì ngược lại. 54 hộ dân với 167 khẩu người dân Hòn Chuối đều thuộc diện nghèo và cận nghèo, thiếu nước ngọt, thiếu điện, thiếu trường học, thiếu vốn. Trong điều kiện ấy, Bộ đội Biên phòng, Hải quân trên đảo luôn là điểm tựa của người dân, khám, chữa bệnh miễn phí cho người dân trên đảo và trên mặt biển; giữ gìn an ninh trật tự; chia sẻ lương thực, thực phẩm và những can nước mưa hứng được cho người dân trong lúc khó khăn… Lúc lên gần đỉnh dốc, chúng tôi vào thăm lớp học tình thương của Đồn Biên phòng Hòn Chuối lập nên và do Thượng úy Nguyễn Bình Phục đứng ra giảng dạy cho các cháu gần 20 năm qua. Lớp có 22 cháu, bé nhất là cháu Trần Hảo Nam 4 tuổi. Thấy tôi ngạc nhiên, thầy Phục cười, gia đình cháu neo người, sợ cháu ra biển nên cho đi “lớp thầy Phục” luôn, vậy là lớp có cả mầm non. Chỉ một không gian nhỏ nhưng có tới 3-4 nhóm, học từ lớp 1 đến lớp 9, chia thành 3 nhóm lớp quay mặt theo ba hướng khác nhau. Bỗng dưng, tôi nhớ đến lớp học của cô giáo Bùi Thị Nhung ở Trường Sa mà tôi ra năm nào. Biển đảo là vậy, chẳng khó khăn nào mà không có cách khắc phục.
Chuyện kể vậy sợ buồn, tôi ghi qua chuyện vui. Đến giờ phút này, tại tất cả những nơi chúng tôi đến trên vùng biển Tây Nam Tổ quốc, cả quân, cả dân, mọi công việc chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 đều được chuẩn bị xong xuôi với mâm cỗ đầy đủ bánh chưng, bánh tét, thịt heo và các loại hoa quả “cầu, zừa, đủ, xài” (mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài theo quan niệm phương Nam) đón mừng năm mới. Lễ Tất niên tại Trạm ra-đa trên đảo Thổ Chu tổ chức mà Đoàn chúng tôi được dự có đủ các lực lượng, có Trạm Hải đăng, có Hạt Kiểm lâm, có UBND, có Đoàn Thanh niên, có Hội CCB, có Hội Phụ nữ… thật vui. Sau lễ Tất niên là liên hoan văn nghệ, toàn “cây nhà, lá vườn” mà sao nghe mê mẩn lạ thường. Không chỉ lễ tết đâu, mà mọi việc ngày thường cũng vậy. Nghĩa tình quân dân là vậy.
Tàu chúng tôi hú ba hồi còi tạm biệt, rời cảng mà vẫn nghe tiếng hát vọng theo. Nhớ lắm Vùng 5, nhớ lắm biển đảo Tây Nam thân yêu.
Lê Doãn Chiêu