Nhưng chim hải âu thì rất nhiều, chúng thường chắp cánh bước chững chạc dọc hiên nhà như cán bộ chỉ huy đi kiểm tra nội vụ. Mỗi lần thấy vậy tôi lại nghĩ về Trung tá Nguyễn Văn Vinh, quyền đảo trưởng có dáng người thấp đậm và khuôn mặt tròn, cương nghị. Trước khi ra Sơn Ca, Vinh là lính thủy đánh bộ, rồi qua các đảo Nam Yết, đảo Phan Vinh nên anh luôn chủ động trong mọi nhiệm vụ. Trong đó công tác huấn luyện chiến đấu được đưa lên hàng đầu như xây dựng, hoàn chỉnh các loại văn kiện, chuẩn bị mô hình học cụ và trên 250 bia bảng; kiểm tra bắn đạn thật của các loại vũ khí đều đạt giỏi và được Bộ Quốc phòng tặng bằng khen. Bến đậu của Nguyễn Văn Vinh là người vợ và một con trai 17 tuổi, đang sinh sống ở xã Cộng Hòa, Yên Hưng, Quảng Ninh. Tết này là 10 năm anh biền biệt xa quê, 10 cái tết xa vợ con để giữ đảo cùng đồng đội…

Khi mới gặp, tôi đã nhận Đại úy Nguyễn Tiến Tảo, chính trị viên phó là đồng hương, vì anh ở xã Tích Giang, Phúc Thọ, Hà Nội. Nhưng từ năm 2005, Tảo đã đưa vợ con vào phường Cam Nghĩa, Cam Ranh, Khánh Hòa sinh sống. Chị Hà Thủy Trinh (vợ anh) là giáo viên dạy văn nên hai người thường gửi thơ cho nhau:

Đêm xuân cùng thức với Trường Sa

Hòa vào sâu thẳm bao la đất trời

Nghe hương thơm của cuộc đời

Dậy lên từ đất, từ người Trường Sa

Chính những câu thơ tưởng như rất riêng lại động viên anh cùng đơn vị vượt lên mọi khó khăn thử thách, giữ vững ý chí chiến đấu và xây dựng cuộc sống trên đảo ngày một đầy đủ hơn. Nguyễn Tiến Tảo cho biết: Mỗi năm đơn vị gieo trồng được trên 2 tấn rau các loại, chăn nuôi 1,5 tấn thịt và đánh bắt gần 3 tấn cá, hải sản, trị giá khoảng 170 triệu đồng, phần nhiều là tập trung cho ngày lễ, tết. Những năm gần đây đời sống bộ đội trên đảo được cải thiện, có điện suốt ngày đêm, từ sinh hoạt đến xem ti vi, nghe đài thuận tiện, điện thoại di động ai cũng có, nơi ăn chốn ở, đường đi lại được bê tông hóa, sự chi viện của đất liền thường xuyên hơn. Đảo còn ủng hộ các tàu thuyền đánh cá trên 10.000 lít nước ngọt, quyên góp gửi vào đất liền gần 27 triệu đồng ủng hộ Hội Người cao tuổi, Trường học bán trú Khánh Hòa và gia đình cán bộ, chiến sĩ có khó khăn…

Tôi ngồi rất lâu với Trung úy CN Cao Văn Bá, khẩu đội trưởng, người Diễn Châu, Nghệ An. 32 tuổi nhưng anh đã có 8 năm công tác trên các đảo Sinh Tồn Tây, Trường Sa Đông, nay là Sơn Ca. Là đảng viên từ tháng 8 năm 2004, anh kể: Thực hiện cuộc vận động lớn, đảng viên phải gương mẫu “làm theo” Bác Hồ, anh đã kiên trì giúp đỡ chiến sĩ Lê Văn Hiếu, một tân binh ra đảo chưa quen cuộc sống quân ngũ, rèn luyện lơ là, có phần bi quan, trở thành một quân nhân tích cực. Hoàn thành NVQS Hiếu còn được giới thiệu đi học nghề điện tử viễn thông để ổn định cuộc sống sau này.

Chúng tôi đến công trình xây dựng đèn hải đăng của đảo. Chỉ huy trưởng, kỹ sư Nguyễn Đình Thiện cho biết: Hệ thống đèn có bờ kè dài 91m, trên đó là khu nhà quản lý 2 tầng, trên ngôi nhà là cây đèn hải đăng cao 25m, gồm 2 tầng xây kiên cố lâu bền. Đội thi công có 34 cán bộ công nhân viên của Công ty bảo đảm an toàn hàng hải 1, thuộc Xí nghiệp xây dựng công trình hàng hải 151, công trình hoàn thành sớm, chào mừng Đại hội Đảng lần thứ XI và tết này khu vực đảo Sơn Ca sẽ sáng cây đèn tín hiệu và dẫn đường cho các tàu thuyền qua lại.

Trung tá Đặng Văn Quyền, Bệnh xá trưởng của đảo, nguyên là bác sĩ Viện 10, Quân khu 1. Anh dẫn chúng tôi tham quan phòng điện tim, phòng siêu âm và các phòng điều trị rồi cho biết: Quân số khỏe của đơn vị thường xuyên đạt 99,8%. Đã cấp cứu và điều trị cho 27 ca là ngư dân đánh bắt hải sản trên biển bị tai nạn. Nặng nhất là anh Đỗ Văn Khoa, 38 tuổi, tàu BTH 999TS quê ở Phú Qúy, Bình Thuận, hội chẩn giảm áp do lặn sâu dẫn đến tắc mạch máu, được cứu chữa kịp thời, trở lại đất liền với gia đình.

Bài và ảnh: Tô Kiều Thẩm