“Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua”
Bài thơ chúc Tết xuân Mậu Thân 1968 của Bác thật cô đọng và súc tích như một bài ca hùng tráng và khẳng định ý chí và sức mạnh của nhân dân ta. Đồng thời cho chúng ta hiểu được tình cảm yêu thương của Bác với đồng bào và chiến sĩ cả nước:
Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua
Thắng trận tin vui khắp nước nhà
Nam - Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
Tiến lên!
Toàn thắng ắt về ta!
Lời thơ của Bác như tiếng kèn xung trận, cả miền Nam vùng lên Tổng tiến công và nổi dậy. Sài Gòn cùng với 34/44 tỉnh lỵ, 5/6 thành phố lớn, 64/242 huyện lỵ của Mỹ ngụy đồng loạt bị tiến công.
Bài thơ được Đại tá, nhạc sĩ Huy Thục phổ nhạc, trở thành bài ca đi cùng năm tháng. Nhạc sĩ Huy Thục (còn gọi Lê Huy Thục) sinh ngày 22-12-1933. Chúng tôi tới thăm ông vào một ngày cuối năm ở phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Trong phòng khách ấm cúng có một lẵng hoa tươi thắm của Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung vừa trao tặng nhân sinh nhật tuổi 85 của nhạc sĩ. Người chiến sĩ lão thành cho biết, quê gốc ở Lý Nhân, Hà Nam, ông lớn lên ở Hà Nội. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ông tham gia Đội thiếu niên nhi đồng cứu quốc phố Mai Hắc Đế; nhập ngũ năm 1946 vào Đại đội 1, Tiểu đoàn 105, chiến đấu tại Nam Định. Nhờ có năng khiếu văn nghệ, ông được đi học đàn vi ô lông rồi về Đoàn văn công Quân khu 3, Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị, giảng viên Trường Nghệ thuật Quân đội. Từ năm 1967, ông được điều động vào chiến trường Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, có mặt trong mọi điểm chốt, chiến hào, lăn lộn cùng chiến sĩ để sáng tác và làm báo giải phóng. Tại đây, ông nổi tiếng với các bài hát “Tiếng đàn ta lư”, “Ôi dòng suối La La”, “Tiếng hát trên đường quê hương”, “Người con gái Pa cô”, “Tiểu đội Bùi Ngọc Đủ”, “Bài ca dũng sĩ trên đồi Động Tri”... Về chuyện phổ nhạc bài thơ chúc Tết xuân Mậu Thân 1968 của Bác Hồ, nhạc sĩ kể lại:
Ngày 19-12-1967, qua máy vô tuyến 2 oát, tôi nhận được điện của Tổng cục Chính trị gửi từ Hà Nội vào, kèm theo bài thơ chúc Tết Xuân Mậu Thân 1968 mà Bác Hồ chuẩn bị đọc trong lúc giao thừa. Tổng cục nhắc: “Sau khi Bác chúc Tết xong thì nhanh chóng phổ nhạc để khích lệ tinh thần đồng bào, chiến sĩ”. Tôi đọc bài thơ một lần mà xúc động đến nghẹt thở, rồi tôi đọc cho các đồng chí ở Trung đoàn bộ Trung đoàn 9 (Sư đoàn 341, Quân khu 4) nghe, ai cũng bồi hồi, rưng rưng nước mắt như nuốt từng lời, từng câu thơ của Bác.
Thơ chúc Tết của Bác có tính khái quát cao, tôi ngẫm từng ý thơ và nhanh chóng nhập tâm để thuộc lòng. Trời Quảng Trị vẫn ì ầm tiếng bom, pháo, máy bay. Tôi nhìn ra đường lớn, từng đoàn xe chở bộ đội, binh khí kỹ thuật của ta trùng trùng tiến vào Nam với khí thế cả nước lên đường, xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Nguồn cảm hứng trong tôi đến bất ngờ và bật thành nhịp, thành phách đều đều. Mở đầu và một số đoạn tôi sử dụng nhạc không lời của chất chèo Bắc Bộ có pha chút dân ca Nghệ Tĩnh, dân ca Nam Trung Bộ:
“Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua...”
Những vần thơ của Bác lôi cuốn, thức dậy tư duy âm nhạc của tôi đến cao trào, đỉnh điểm. Cứ thế cả tứ thơ thành bản nhạc ấm áp mà hùng hồn như nghe thấy cả tiếng quân reo, xe chạy, những bước chân thần tốc, có cả cờ bay và khúc khải hoàn ca dân tộc trong mùa xuân chiến thắng.
Những nốt nhạc, tiết tấu bài hát đã có sự cộng hưởng với tần số rung động của Bác, của cả Dân tộc, của triệu triệu con tim người Việt Nam nên tôi mạnh dạn mở rộng khúc thức đoạn cuối: “Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!”. Những điệp khúc “Xuân này”, “Tiến lên”, “Toàn thắng” được láy đi, láy lại. Sáng tác xong, tôi hát thử vài lần, sửa chữa cho phù hợp với lời thơ, ý thơ Xuân của Bác. Tôi vui mừng cầm bản nhạc sang hầm chỉ huy gửi 1 bản ra Bắc cho Tổng cục Chính trị và yêu cầu Đoàn Văn công Tổng cục thể hiện, 1 bản tôi gửi cho Đoàn Văn công giải phóng đang đóng ở gần sông Ba Lòng. Tôi gọi anh em ở Trung đoàn bộ cùng nghe và cùng hát bài phổ thơ của tôi rồi ai cũng thuộc và nhanh chóng đi vào lòng người, vào tâm thức các chiến sĩ Trường Sơn. Bài hát của tôi như tiếp thêm sức mạnh chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ ở Mặt trận B4, B5 Quảng Trị, Thừa Thiên... Nói tới đây, ông nghiêng hẳn sang tôi, chậm rãi: Bác Hồ giản dị là thế, thơ Bác gần gũi đại chúng nên nhạc tôi cũng mộc mạc như hạt lúa, củ khoai, hát một lần là ai cũng thuộc, là người Việt Nam ai cũng thích.
Đại tá nhạc sĩ Huy Thục nghỉ hưu năm 1996, đến nay ông sáng tác được khoảng 150 ca khúc cách mạng. Ông được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng ba (1996); giải thưởng Nhà nước về Văn học và Nghệ thuật (2001).
Khi chia tay, ông tâm sự: Bác Hồ đã đi vào cõi vĩnh hằng, những ý thơ chúc Tết của Bác cũng đã thành hiện thực. Chúng ta nguyện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Bác; quyết tâm phấn đấu, xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác hằng mong muốn. Và mỗi khi Tết đến chúng ta lại đọc thơ của Người cho tâm hồn thư thái, dâng trào cảm xúc và như có Bác cùng chào đón mùa Xuân.
Tô Kiều Thẩm