 Từ ngày 5 đến 25-3: Chiến dịch Trị-Thiên
Nhằm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm mạnh của quân ngụy ở các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, giải phóng TP Huế, Bộ Quốc phòng quyết định mở chiến dịch Trị-Thiên. Lực lượng địch trên địa bàn chiến dịch có Sư đoàn 1 bộ binh, Lữ đoàn thủy quân lục chiến 174, hai liên đoàn bảo an (913, 914), hai liên đoàn biệt động quân (14, 15), ba thiết đoàn (7, 17, 20), bảy tiểu đoàn cao xạ và phòng vệ dân sự.
Lực lượng ta tham gia chiến dịch có Quân đoàn 2 (thiếu Trung đoàn 95) và lực lượng vũ trang Quân khu Trị-Thiên (gồm 3 trung đoàn và 3 tiểu đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn đặc công; 6 tiểu đoàn bộ binh và 2 tiểu đoàn đặc công của Quảng Trị, Thừa Thiên).
Sau khi giải phóng tỉnh Quảng Trị (19-3), từ ngày 21 đến 25-3, quân ta tiến công giải phóng TP Huế và toàn bộ tỉnh Thừa Thiên, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch trên chiến trường Trị-Thiên. Chiến dịch Trị-Thiên thể hiện trình độ nghệ thuật nắm thời cơ, xác định đúng mục tiêu, kiên quyết thọc sâu, chia cắt, bao vây để giành thắng lợi nhanh chóng. Thắng lợi của chiến dịch Trị-Thiên đã đẩy nhanh quá trình sụp đổ của quân ngụy, tạo bàn đạp trực tiếp trên hướng bắc để quân và dân ta mở tiếp chiến dịch giải phóng Đà Nẵng.

 Từ ngày 12-3 đến 2-4: Quân đoàn 4 và các lược lượng vũ trang Nam Bộ-Cực Nam Trung Bộ đẩy mạnh hoạt động phối hợp với chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch Trị-Thiên và chiến dịch Đà Nẵng, tạo bàn đạp và mở đường tiến công Sài Gòn từ các hướng: bắc, đông bắc và tây, tây nam. Sư đoàn 9 và một bộ phận của Sư đoàn 341 đánh chiếm các chi khu quân sự, quận lị: Dầu Tiếng (12-3), Chơn Thành và toàn tỉnh Bình Long (2-4). Sư đoàn 3 và Sư đoàn 5 (Đoàn 232) đánh chiếm chi khu quân sự Bến Cầu, Đức Huệ, cắt đường số 4. Sư đoàn 7 đánh chiếm chi khu quân sự Định Quán (20-3), giải phóng đường 20 và tỉnh Lâm Đồng (31-3).

 Ngày 18-3: Bộ Chính trị họp nhận định: Thắng lợi to lớn có ý nghĩa chiến lược của ta đánh dấu một bước rất mới trong cục diện chung, một bước suy sụp mới của Mỹ-ngụy. Địch đang thực hiện co cụm chiến lược. Bộ Chính trị hạ quyết tâm hoàn thành giải phóng miền Nam trong năm 1975, và xác định nhiệm vụ trước mắt là: Nhanh chóng tiêu diệt Quân đoàn 1 của địch, không cho chúng rút về Sài Gòn; giải phóng Huế, Đà Nẵng và các tỉnh Trung Bộ.

 Ngày 25-3: Bộ Chính trị họp nhận định: "Thời cơ chiến lược đã tới. Trong suốt 20 năm chống Mỹ, cứu nước chưa bao giờ thuận lợi như lúc này", do đó cần "Nắm vững thời cơ chiến lược mới, tranh thủ thời gian cao độ, nhanh chóng tập trung lực lượng vào hướng chủ yếu, hành động táo bạo, bất ngờ, làm cho địch không kịp trở tay". Bộ Chính trị quyết định: "Quyết tâm hoàn thành giải phóng Sài Gòn và miền Nam trước mùa mưa (tháng 5-1975)".

 Từ ngày 26 đến 29-3: Chiến dịch Đà Nẵng:
Nhằm tiêu diệt Sư đoàn thủy quân lục chiến và lực lượng còn lại của Quân khu 1 quân đội Sài Gòn, giải phóng TP Đà Nẵng, Bộ Quốc phòng quyết định mở chiến dịch Đà Nẵng. Lực lượng địch phòng ngự trên địa bàn chiến dịch có Sư đoàn 1 thủy quân lục chiến, Sư đoàn 3, 2 chiến đoàn (11 và 20), 7 tiểu đoàn pháo, Sư đoàn 1 không quân và tàn quân rút từ Trị-Thiên về.
Lực lượng ta tham gia chiến dịch có Quân đoàn 2 và các lực lượng vũ trang Quân khu 5. Trong 2 ngày (24 và 25-3), các lực lượng vũ trang Quân khu 5 tiến công giải phóng thị xã Tam Kỳ (Quảng Nam) và toàn bộ tỉnh Quảng Ngãi. Từ ngày 27-3, Quân đoàn 2 và các lực lượng vũ trang Quân khu 5 mở cuộc tiến công từ nhiều hướng vào Đà Nẵng. Ngày 29-3, quân ta chiếm toàn bộ căn quân sự liên hợp Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà và thị xã Hội An; tiêu diệt và làm tan rã một lực lượng lớn quân địch, thu và phá hủy toàn bộ vũ khí, cơ sở vật chất của chúng, làm thay đổi cục diện và so sánh lực lượng giữa ta và địch, tạo điều kiện thuận lợi để sớm tiến hành chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định, giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Việt Hưng (Dẫn theo "60 năm QĐND Việt Nam")