• Từ ngày 20 đến 25-4.
    Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chi Minh giao nhiệm vụ cho các quân đoàn và các lực lượng vũ trang địa phương:
  • Hướng tây bắc Sài Gòn: Quân đoàn 3, do Thiếu tướng Vũ Lăng (Tư lệnh), Đại tá Đặng Vũ Hiệp (Chính ủy) chỉ huy, cùng hai Trung đoàn 1 và 2 Gia Định, các đội đặc công, biệt động của Thành đội Sài Gòn được pháo binh và lực lượng phòng không chiến dịch chi viện hỏa lực, đánh chiếm căn cứ Đồng Dù, tiêu diệt Sư đoàn 25 ngụy, chiếm sân bay Tân Sơn Nhất; sau đó cùng với Quân đoàn 1 đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy.
  • Hướng bắc Sài Gòn: Quân đoàn 1, do Thiếu tướng Nguyễn Hòa (Tư lệnh), Thiếu tướng Hoàng Minh Thi (Chính ủy) chỉ huy, được tăng cường Trung đoàn 95 (Sư đoàn 325 Quân đoàn 2) và 1 trung đoàn phòng không, đánh chiếm căn cứ Phú Lộc, diệt Sư đoàn 5 ngụy, đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy và các căn cứ bộ tư lệnh các binh chủng của địch ở Gò Vấp...
  • Hướng đông bắc Sài Gòn: Quân đoàn 4 do Thiếu tướng Hoàng Cầm (Tư lệnh), Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện (Chính ủy) chỉ huy, được tăng cường Lữ đoàn bộ binh 52 (Quân khu 5) và một số tiểu đoàn binh chủng, tiêu diệt sở chỉ huy Bộ tư lệnh Quân đoàn 3 và Sư đoàn 18 ngụy ở Biên Hòa; sau đó thọc sâu vào nội đô, đánh chiếm Dinh Độc Lập.
  • Hướng đông: Quân đoàn 2, do Thiếu tướng Nguyễn Hữu An (Tư lệnh), Thiếu tướng Lê Linh (Chính ủy) chỉ huy, đánh chiếm Bà Rịa, căn cứ Nước Trong, Long Bình, chặn đứng đường rút chạy của địch trên sông Lòng Tàu; sau đó tiến vào nội thành, cùng Quân đoàn 4 chiếm Dinh Độc lập.
  • Hướng tây và tây nam Sài Gòn: Đoàn 232, do Trung tướng Lê Đức Anh (Tư lệnh), Thiếu tướng Lê Văn Tưởng (Chính ủy) chỉ huy, cùng lực lượng vũ trang Quân khu 8 có nhiệm vụ cắt đường số 4, đánh chiếm Biệt khu Thủ đô và Tổng nha cảnh sát ngụy.
    Các đơn vị đặc công, biệt động và lực lượng vũ trang thành phố Sài Gòn có nhiệm vụ đánh địch, giữ các cầu vào thành phố, dẫn đường cho các binh đoàn thọc sâu đánh chiếm các mục tiêu quan trọng, hỗ trợ quần chúng nổi dậy phối hợp với đòn tiến công quân sự.
  • Từ ngày 26 đến 30-4.
    Chiến dịch Hồ Chí Minh, tổng công kích giải phóng hoàn toàn thành phố Sài Gòn-Gia Định, đồng bằng sông Cửu Long và toàn bộ lãnh thổ, vùng biển, các đảo của Tổ quốc.
    17 giờ ngày 26-4, quân ta nổ súng tiến công mạnh và đồng loạt trên các hướng, tiêu diệt các sư đoàn chủ lực còn lại, đánh chiếm các căn cứ, mục tiêu quan trọng, phá vỡ các khu vực phòng thủ vòng ngoài của địch. Ngày 28-4, một biên đội máy bay A.37 (phi đội Quyết Thắng) của Binh chủng Không quân ta ném bom sân bay Tân Sơn Nhất, làm quân địch thêm hoảng loạn. Ngày 19-4, quân ta tiêu diệt và làm tan rã các sư đoàn chủ lực: 5, 7, 18, 22, 25 của quân ngụy. Các binh đoàn thọc sâu tiến vào cách trung tâm thành phố từ 10 đến 15km. Đại sứ Mỹ, G. Mác-tin và các nhân viên quân sự, binh lính cuối cùng của Mỹ lên máy bay rút khỏi Sài Gòn.
    5 giờ ngày 30-4, quân ta mở đợt tấn công cuối cùng. Lúc 10 giờ 45 phút, xe tăng 843 và xe tăng 390 thuộc Lữ đoàn 203 Quân đoàn 2 dẫn đầu đội hình đột kích thọc sâu của Quân đoàn tiến vào Dinh Độc Lập. Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66 Sư đoàn 304 và Lữ đoàn xe tăng 203 Quân đoàn 2 là những đơn vị đầu tiên cùng một số chiến sĩ biệt động đánh vào sào huyệt địch, buộc Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh và toàn bộ nội các địch đầu hàng. Cờ Giải phóng tung bay trước tòa nhà chính của Dinh Độc Lập lúc 11 giờ 30 phút ngày 30-4.
    Ở đồng bằng sông Cửu Long, ngay từ ngày 13-3 năm 1975, thực hiện đợt 2 kế hoạch tác chiến chiến lược trên phạm vi toàn miền Nam, lực lượng vũ trang Quân khu 8 và Quân khu 9 đẩy mạnh tiến công địch, phối hợp với các chiến dịch Tây Nguyên, Trị-Thiên, Đà Nẵng. Trên cơ sở những thắng lợi đã giành được, từ ngày 29-4 đến 2-5, bộ đội chủ lực hai quân khu và lực lương vũ trang các tỉnh đã kết hợp tiến công quân sự với phát động quần chúng nổi dậy tiêu diệt và làm tan rã Quân đoàn 4, Quân khu 4 và lực lượng kìm kẹp của địch, giải phóng hoàn toàn các tỉnh miền Tây Nam Bộ, Côn Đảo, đảo Phú Quốc và các đảo thuộc vùng biển Tây Nam của Tổ quốc.

  • Ngày 30-4.
    Bộ Chính trị gửi điện khen ngợi quân và dân Sài Gòn-Gia Định, khen ngợi toàn thể cán bộ, chiến sĩ, đảng viên và đoàn viên thuộc các đơn vị chủ lực, bộ đội địa phương, bộ đội tinh nhuệ, dân quân du kích đã chiến đấu cực kỳ anh dũng, lập chiến công chói lọi, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch, buộc ngụy quyền Sài Gòn phải đầu hàng không điều kiện, giải phóng Sài Gòn-Gia Định, đưa chiến địch lịch sử mang tên Bác Hồ vĩ đại đến toàn thắng.
    Việt Hưng (Dẫn theo “60 năm QĐNDVN”)