Xu thế hòa bình

Di sản của cựu Tổng thống Donald Trump để lại cho nước Mỹ và thế giới là gì thì đó là điều giới phân tích và lịch sử sẽ trả lời. Ấy nhưng, có một di sản hiện hữu trước mắt đó là một Trung Đông đoàn kết hơn, hoà bình hơn, dù đây đó vẫn còn những mâu thuẫn trong khu vực.

Ngày 12-12, Thủ tướng Israel - Naftali Bennett có chuyến công du lịch sử tới Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) bởi đây là chuyến công du cấp cao nhất kể từ khi Israel và UAE thiết lập quan hệ ngoại giao năm 2020. Năm 2020, UAE là quốc gia Arab thứ ba thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel, sau Ai Cập và Jordan. Sau đó, Bahrain và Morocco cũng có bước đi tương tự, trong khuôn khổ Thỏa thuận Abraham, do cựu Tổng thống Donald Trump làm trung gian. Sudan cũng đã nhất trí bình thường hóa quan hệ với Isarel trong khuôn khổ này song chưa thiết lập quan hệ.

Như vậy, vai trò trung gian trong Thoả thuận Abraham của ông Trump là rất lớn, giúp các nước có các mẫu thuẫn về tôn giáo và đã từng đối đầu với nhau rất nhiều lần trong cả nghìn năm giờ lại bắt tay hợp tác. Với sự hậu thuẫn của Mỹ và quyết tâm của Israel, quốc gia Do Thái đã làm bạn được với các cựu thù trong khu vực. Thỏa thuận Abraham do người tiền nhiệm của ông Bennet là cựu Thủ tướng Benjamin Netanyahu đàm phán ký kết. Kể từ sau thỏa thuận này, Israel và UAE đã ký một loạt thỏa thuận hợp tác kinh tế và thương mại.

Tháng 11-2021, nhà sản xuất vũ khí Elbit Systems của Israel đã khai trương một công ty liên danh mới tại UAE sau khi các tư lệnh không quân Israel và UAE thăm lẫn nhau. Trước đó, tháng 6-2021, Ngoại trưởng Israel - Yair Lapid cũng có chuyến thăm lịch sử tới UAE, mở Đại sứ quán tại Abu Dhabi và Lãnh sự quán tại Dubai, trong khi UAE mở Đại sứ quán ở Tel Aviv.

Với xu thế đối thoại thay đối đầu, hợp tác thay vì kìm hãm nhau phát triển, Trung Đông có cơ sở để hướng tới hoà bình lâu dài nếu các mâu thuẫn còn lại giữa Israel với Palestine, Israel với Iran được giải quyết theo xu hướng này.

Nam Long