Xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, lợi ích nhóm

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến kết luận của đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tại buổi làm việc với Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Phó Thủ tướng yêu cầu Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đề cao trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tính tiên phong, gương mẫu của tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu phải gương mẫu, có quyết tâm chính trị cao, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên; chủ động phòng ngừa, chủ động tự phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, lợi ích nhóm, vi phạm pháp luật đặc quyền đặc lợi, tham ô trong các công trình, dự án, các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng cơ bản, quản lý và sử dụng đất đai; tạo được sự phối hợp chặt chẽ, huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Cần xác định phòng, chống tham nhũng là một công tác trọng tâm, thường xuyên, lâu dài, là một trong các tiêu chí để đánh giá cán bộ, đảng viên.
Đối với các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, cấp uỷ, người đứng đầu cấp uỷ cần chủ động yêu cầu các cơ quan liên quan báo cáo để cho chủ trương xử lý kiên quyết, khẩn trương, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; phổ biến và nhân rộng những kinh nghiệm hay trong phòng, chống tham nhũng; vinh danh và khen thưởng thích đáng, kịp thời những điển hình tốt, người tốt trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, lên án mạnh mẽ những hành vi tiêu cực, tham nhũng. Xây dựng văn hóa phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong cán bộ, đảng viên, công chức của Thành phố.
Các cơ quan báo chí của Thành phố cần đưa tin, bài định hướng đúng đắn dư luận xã hội để thấy rõ những kết quả tích cực của công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí cũng như những hạn chế, khó khăn, phức tạp; khẳng định rõ quyết tâm của Ðảng, Nhà nước trong việc ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về phòng, chống tham nhũng, nhất là các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng. Ủy ban Kiểm tra các cấp cần chú trọng kiểm tra, xử lý kịp thời đảng viên có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí; có hình thức xử lý các tổ chức đảng và đảng viên không chấp hành nghiêm túc các quy định của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng. Các cơ quan kiểm tra, nội chính của Đảng cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng của Nhà nước để kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời các tổ chức, cán bộ, đảng viên vi phạm.
Tăng cường công tác thanh tra phát hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng; chỉ đạo khắc phục tình trạng qua thanh tra phát hiện sai phạm nhiều, nhưng kiến nghị xử lý hình sự ít; tăng cường thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp, thanh tra các lĩnh vực dễ xẩy ra tham nhũng.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng cần làm tốt công tác xử lý tin báo tố giác tội phạm; nếu phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng thì phải xử lý theo quy định của pháp luật; tránh tình trạng không chuyển xử lý hình sự mà chuyển xử lý hành chính các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng.
Triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, kiên quyết theo đúng quy định của pháp luật. Cần tiến hành có trọng tâm, trọng điểm, tập trung xử lý những vụ tham nhũng mang tính tập thể, có tổ chức; bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm; trong quá trình xét xử, nếu phát hiện tội phạm mới thì Tòa án phải khởi tố, chuyển cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân để làm rõ và xử lý theo pháp luật. Quá trình điều tra, truy tố, xét xử cần tập trung phát hiện, kê biên tài sản tham nhũng để thu hồi.